Nhớ Bác Tổng Bí thư…
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ðặc biệt, với những người từng được tiếp xúc, trò chuyện, Tổng Bí thư để lại ấn tượng mạnh mẽ về một nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn đau đáu những suy nghĩ cho nước cho dân, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Động lực từ những dặn dò tâm huyết
Là đbqh khóa X, khóa XI, nghệ nhân ưu tú Yang Danh đặc biệt ấn tượng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sâu sát, bao quát, có tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI.
Theo ông Yang Danh, với cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua đó, phát huy vai trò, chức năng của Quốc hội trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước, mang tính tổng thể, toàn diện. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay nghệ nhân ưu tú Yang Danh nhân dịp gặp mặt Đoàn đại biểu tham dự lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ I, năm 2017. Ảnh: NVCC
Ông Yang Danh nhớ mãi lần gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đến dự cuộc họp của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Khi ấy, người đứng đầu Quốc hội đến bắt tay từng người rất gần gũi, sau đó trò chuyện chân tình: “Các đồng chí được nhân dân tín nhiệm, bầu làm ĐBQH thì phải làm sao cho thật sự xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta không ngừng được cải thiện, song hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Là người đại biểu dân cử, được người dân tín nhiệm bầu mình, các đồng chí phải sống trong dân, gần gũi với người dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Phải hết sức lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, ghi nhận ý kiến chính đáng của dân, kịp thời phản ánh lên cho Đảng, Quốc hội và Nhà nước để kịp thời có các chính sách hỗ trợ người dân cho đúng, kịp thời”.
Những lời căn dặn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện hôm ấy đã trở thành kim chỉ nam để mỗi ĐBQH thấm sâu về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với cử tri.
“Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, đến nay, lời nói ấm áp của bác Trọng vẫn in mãi trong tâm trí tôi. Nay bác Trọng đã đi xa, để lại muôn vàn niềm thương nhớ đối với bản thân tôi nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung”, ông Yang Danh xúc động nói.
Là ĐBQH khóa XII, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định Phạm Thị Thanh Hương rất ấn tượng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bởi phong cách điều hành các kỳ họp rất khoa học, điềm đạm và sâu sắc. Công tác xây dựng pháp luật luôn được đổi mới về quy trình, bảo đảm tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt, những quyết sách trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.
Bà Hương nhớ lại: Tại các phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thường nhắc: “Người ĐBQH phải luôn gần dân, lắng nghe dân, sâu sát với nhân dân để hiểu được những tâm tư, nhu cầu chính đáng của người dân đã tín nhiệm bầu ra mình. Quốc hội phải cầu thị, lắng nghe để các quyết sách đề ra giải quyết ngày càng tốt hơn những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống”.
Quốc hội khóa XII do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch đã thành lập nhóm nữ nghị sĩ. Nói chuyện với các nữ đại biểu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong xã hội. Lịch sử Việt Nam đã có những tấm gương phụ nữ rất đáng tự hào. Do vậy, chị em phải tiếp nối truyền thống ấy, nỗ lực vươn lên, khẳng định năng lực và sự đóng góp của mình bằng những kết quả công việc cụ thể”.
“Câu nói của bác Trọng khiến các đại biểu tham dự buổi gặp mặt hôm ấy ai cũng xúc động dâng trào. Bác từ trần là mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Để thực hiện lời căn dặn của bác và biến những tình cảm, sự kính phục đối với bác thành những việc làm cụ thể, tôi nghĩ, mỗi người dân Việt Nam nói chung và đối với phụ nữ nói riêng cần nỗ lực hơn nữa trong lao động, sản xuất, cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội”, bà Hương chia sẻ.
Nhớ “Bác Bí thư” mẫu mực, gần gũi
Dịp tết Nhâm Thìn 2012, nhà báo Nguyễn Thị Bích Sương (hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Bình Định) được cơ quan giao nhiệm vụ đưa tin đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu về thăm, làm việc và chúc Tết đồng bào tỉnh Bình Định.
Cảm nhận đầu tiên của chị về Tổng Bí thư đó là một vị lãnh đạo mẫu mực, khiêm tốn, giản dị. Điều này đến từ khi chị còn chưa kịp gặp ông, lúc ngồi trên ô tô do Văn phòng Tỉnh ủy bố trí ra sân bay đón đoàn.
Suốt hành trình đón đoàn công tác của Tổng Bí thư tại sân bay Phù Cát và đưa đoàn đến nơi làm việc, đoàn ô tô nối đuôi nhau chạy, nhưng hai xe CSGT dẫn đầu và khóa đuôi chỉ bật đèn cảnh báo, không dùng còi hụ báo hiệu dù đây là đoàn xe ưu tiên. Đoàn xe đi đón nguyên thủ quốc gia hôm ấy cũng “ngắn” hơn mọi lần. Anh lái xe “bật mí”: “Bác Tổng bảo đừng mở còi xe, chỉ bật đèn ưu tiên là được rồi. “Ông cụ” còn yêu cầu Văn phòng bố trí xe chung cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được phân công đi đón đoàn, không nên mỗi cơ quan mỗi xe, như vậy là lãng phí”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, thăm hỏi cán bộ, nhân dân xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) trong lần về thăm xã năm 2012. Ảnh: V.LƯU
“Đến khi được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), hình ảnh một vị lãnh đạo trí tuệ, có tầm nhìn xa trông rộng, thấu triệt lẽ “lấy dân làm gốc” càng rõ nét trong tôi”, nhà báo Nguyễn Thị Bích Sương nhớ lại.
Thời điểm đó, Nhơn Lộc là 1 trong 4 xã được tỉnh chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Tại hội trường của xã, nghe tin có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, người dân địa phương đến dự rất đông. Niềm vui, niềm tự hào khi có lãnh đạo Trung ương về thăm quê mình hiện rõ trong ánh mắt từng người hôm ấy. Bà con ngồi kín hội trường, số đông khác đứng ngoài hành lang, cửa sổ, chăm chú hướng mắt vào trong.
Trong các ý kiến phát biểu từ lãnh đạo xã đến người dân, câu đầu tiên luôn là: “Chúng tôi rất vui, xúc động khi được Tổng Bí thư về thăm địa phương và bà con”. Họ gọi ông một cách kính trọng mà cũng đầy tình cảm là “Bác Bí thư”, bởi dường như không có khoảng cách nào giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng và bà con nhân dân.
Sau tất cả các ý kiến, Tổng Bí thư phát biểu, câu đầu tiên là: “Các đồng chí và bà con nói là phấn khởi khi được Tổng Bí thư đến thăm. Tôi cũng rất phấn khởi vì được về thăm Nhơn Lộc”. Lời nói chạm đến trái tim những người nông dân lần đầu được gặp Tổng Bí thư, được thấy tận mắt và nắm chặt bàn tay người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Hôm ấy, Tổng Bí thư đã chia sẻ với những khó khăn, lắng nghe những kiến nghị của xã Nhơn Lộc trong công tác xây dựng nông thôn mới, rồi ông động viên và khích lệ tinh thần mọi người và gợi ý những giải pháp để khắc phục. Sau rốt, ông đặt vấn đề: “Bà con nhờ Trung ương, nhưng Trung ương nhờ lại bà con thì như thế nào?”.
Sâu xa và ý nhị, nhà lãnh đạo Đảng ngụ ý, chính người dân mới là chủ thể xây dựng và thụ hưởng thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và một khi người lãnh đạo hiểu dân, vì dân, biết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết trong dân, sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đối với ông Nguyễn Lương (người dân thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc), ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là sự mộc mạc, gần gũi, giản dị của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Trong mắt ông Lương, con người bác Bí thư toát ra tầm nhìn bao quát, trí tuệ, luôn đau đáu quan tâm đến đời sống nhân dân.
Ông Lương cho rằng, sự khiêm tốn trong cách nói chuyện, phát biểu trước nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại tình cảm sâu đậm trong trái tim mỗi người dân. Nhớ nhất là hình ảnh bác động viên toàn thể nhân dân hãy cố gắng, cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Biết tin bác Trọng từ trần, bản thân tôi cũng như những người dân ở xã Nhơn Lộc rất ngậm ngùi, xúc động, tiếc thương một vị lãnh đạo suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Xin được tiễn ông một nén tâm hương!”, ông Lương bùi ngùi.
Vun mầm xanh hy vọng
Trong chuyến công tác tại Bình Định vào đầu năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Bảo tàng. Cây me Tổng Bí thư trồng nay đã vững chãi, sum suê, xanh tươi...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bìa phải) thăm Bảo tàng Quang Trung, năm 2012. Ảnh: V.LƯU
Hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc cây xanh tại Bảo tàng Quang Trung, anh Đỗ Thanh Minh cho biết hằng ngày đơn vị đều phân công cán bộ theo dõi, chăm sóc, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho các cây lưu niệm được trồng trong khuôn viên. Trong đó, cây me lưu niệm do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng được lấy giống từ cây me di sản tương truyền có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là biểu tượng cho sự trường tồn của phong trào Tây Sơn và Tây Sơn Tam kiệt trong lòng dân Bình Định.
Cây me lưu niệm do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: H.PHÚC
“Cây me bác Trọng trồng ngoài giá trị về cảnh quan còn là kỷ niệm lưu dấu bác đã về thăm miền đất Võ. Chúng tôi sẽ chăm sóc cây me này thật tốt, tuyên truyền cho du khách nâng cao nhận thức về phát huy truyền thống dân tộc, ý thức trồng thêm nhiều cây xanh, bảo vệ môi trường, góp thêm hương sắc cho quê hương Việt Nam ngày càng xanh tươi, bền vững”, anh Minh chia sẻ.
Về kỷ niệm đặc biệt 12 năm trước, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung Châu Kinh Tú kể, sau khi thực hiện xong các nghi thức dâng hoa, dâng hương, Tổng Bí thư tươi cười, thân thiết bắt tay từng cán bộ, nhân viên và ân cần thăm hỏi đời sống của từng người.
“Bác cũng không quên căn dặn nơi đây là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc được lưu truyền đến ngày nay. Do đó, mọi người phải luôn nỗ lực hết mình để gìn giữ những giá trị quý báu, góp phần giáo dục các thế hệ con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đất võ trời văn Bình Định nói riêng”, ông Tú nhớ lại.
Nguồn: BTV
M.LÂM - N.HÂN - H.PHÚC