Kỷ vật liệt sĩ về với gia đình
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và cất giữ, tháng 7.2024, những di vật, kỷ vật lịch sử của 7 liệt sĩ ở Bình Ðịnh được bàn giao cho thân nhân và gia đình. Sau mấy chục năm xa cách, những di vật, kỷ vật liệt sĩ trở về với gia đình trong niềm xúc động vô bờ.
Kỷ vật vô giá
Năm nay 61 tuổi, nhưng ông Phạm Ngọc Thanh (ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát) chưa từng biết mặt, cũng không thể hình dung được hình dáng người chú ruột của mình là liệt sĩ Phạm Thiệu. Đôi mắt ông Thanh đỏ hoe khi nhận được những kỷ vật của người chú. “Những bức ảnh đen trắng tuy đã ố màu, nhưng tôi cảm nhận được hình ảnh của chú bao năm biền biệt giờ như hiện hữu trước mắt”, ông Thanh bùi ngùi.
Đại tá Dương Văn Bảo, Phó trưởng Phòng Thương binh liệt sĩ - Người có công (Cục Chính sách) bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân gia đình. Ảnh: H.P
Cầm sổ kỷ vật trên tay, ông Võ Trung Thông (ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) run run lật từng trang để tìm kiếm thứ gì đó quan trọng mà liệt sĩ Võ Chúc - chú của ông, để lại. “Chú tôi hy sinh đã gần 70 năm rồi. Các kỷ vật được bàn giao có thư cá nhân, kỷ niệm kháng chiến, ảnh mai táng. Nhiều năm nay, vật gần gũi nhất với chú tôi chỉ có tấm bằng “Tổ quốc ghi công” trên bàn thờ thay cho di ảnh. May mắn trong các kỷ vật được giao lại có vài tấm ảnh cá nhân của chú. Gia đình sẽ cho rọi lại để thờ cho tươm tất”, ông Thông vui mừng chia sẻ.
Di vật, kỷ vật của các liệt sĩ được trao lại cho thân nhân gia đình lần này bao gồm: Giấy báo tử, sổ tay, ảnh cá nhân, giấy chứng nhận kỷ niệm chương kháng chiến, giấy khen, thư cá nhân, sổ nhật ký... Được tiếp cận những di vật, kỷ vật thiêng liêng của các liệt sĩ, chúng tôi cảm nhận được đời sống sinh hoạt, học tập, rèn luyện, công tác và chiến đấu, đặc biệt là tinh thần chiến đấu bất khuất của các anh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Ông Nguyễn Công Chính (ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, cháu rể liệt sĩ Trần Để) xúc động nói: “Gia đình tôi sẽ lưu giữ kỷ vật của chú thật cẩn thận. Đây cũng sẽ là hành trang để chúng tôi lấy làm động lực, mục tiêu lý tưởng sống, giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu sống, học tập và lao động sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông để đổi lấy hòa bình, hạnh phúc hôm nay!”.
Xoa dịu nỗi đau
Trong không khí hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), mỗi di vật, kỷ vật liệt sĩ tiếp tục nhắc nhớ về một thời hào hùng, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập của thế hệ cha anh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó quay lại chiến trường miền Nam công tác (đi B). Lúc đi B, tất cả vật dụng cá nhân phải gửi lại đơn vị quản lý. Mục đích là nếu cán bộ chẳng may hy sinh, tổ chức còn có thông tin và báo về gia đình. Trong đợt trao trả di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình do Cục Chính sách tổ chức mới đây, có 7 liệt sĩ quê ở Bình Định hy sinh trong giai đoạn 1954 - 1958.
Theo đại tá Dương Văn Bảo, Phó trưởng Phòng Thương binh liệt sĩ - Người có công (Cục Chính sách), trong điều kiện chiến tranh kéo dài, những kỷ vật này có lúc lưu lạc, nằm tại kho lưu trữ của các đơn vị tham gia chiến đấu trước đây. Sau giải phóng, Cục Chính sách và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) và cơ quan chức năng các tỉnh, thành xác minh thông tin, mong muốn sớm đưa các di vật, kỷ vật thiêng liêng của liệt sĩ về với gia đình và người thân.
“Di vật, kỷ vật có thể là những bức thư, cuốn sổ tay, cuốn nhật ký, tấm ảnh của các chiến sĩ để lại… nhưng chứa nhiều giá trị thông tin, gắn bó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu và hy sinh của các liệt sĩ. Việc đưa di vật, kỷ vật về với gia đình các liệt sĩ thể hiện tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng, vì độc lập dân tộc”, đại tá Dương Văn Bảo khẳng định.
Những di vật, kỷ vật được trao trả cho gia đình liệt sĩ mang giá trị hiện thân, tượng trưng như liệt sĩ trở về. Từ câu chuyện của kỷ vật, di vật nhằm giáo dục con cháu hôm nay luôn biết ơn đối với công lao hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc. Qua đó, góp phần xoa dịu nỗi đau, bù đắp những mất mát đối với các gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng.
HỒNG PHÚC