Ðồng hành từ quân ngũ đến thương trường
Năm 1985, bà Ðinh Thị Lệ Huyền xung phong nhập ngũ; tại đơn vị, bà gặp đồng đội Lê Thị Nguyệt và trở thành đôi bạn thân. Sau khi xuất ngũ, mỗi người có mỗi hướng đi riêng và mất liên lạc với nhau. Có duyên gặp lại khi tham gia Hội Cựu chiến binh TX An Nhơn, cả hai cùng nhau hỗ trợ việc kinh doanh, cống hiến cho cộng đồng.
Kề vai sát cánh
Có duyên hội ngộ nhờ cuộc họp CCB của TX An Nhơn vào năm 2016, bà Đinh Thị Lệ Huyền (SN 1968, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn; Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá Lành Nhơn Hưng) và bà Lê Thị Nguyệt (SN 1965, ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn; Giám đốc HTX Nông Công Thương An Nhơn) vô cùng mừng vui. Đôi bạn ngày xưa lại tiếp tục thân thiết, quan tâm đời sống, kinh tế của nhau. Nhận thấy có cùng chí hướng, hai bà bàn nhau làm tinh dầu sả và một số sản phẩm làm từ tinh dầu sả.
Bà Đinh Thị Lệ Huyền và sản phẩm tinh dầu sả do bà và bà Nguyệt cùng nhau hợp tác sản xuất. Ảnh: T.K
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tháng 3.2020, dây chuyền máy móc ép tinh dầu đã hoàn thành. Hai bà cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ với diện tích 5 ha.
Bà Huyền cho biết: “Vì HTX của tôi chuyên về rau nên tôi đảm nhận trách nhiệm đặt hàng và mua gom nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Bên chị Nguyệt sẽ đầu tư về máy móc, trang thiết bị, nhãn hiệu...”.
Còn đối với bà Nguyệt, ngoài đảm trách vai trò Giám đốc HTX Nông Công Thương An Nhơn, gia đình bà còn có Công ty TNHH Tổng hợp Thái An đóng tại địa phương nên công việc của bà rất bận rộn. Dù vậy, bà không bỏ qua cơ hội nào nếu có thể góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên hội CCB và phụ nữ tại địa phương.
“Tôi và Huyền hay trao đổi về những ý tưởng sản xuất, kinh doanh rồi đi đến khảo sát thực tiễn để thực hiện. Chúng tôi mong muốn nhiều hội viên, chị em tại địa phương cùng tham gia các mô hình để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tôi đang bàn bạc với Huyền thành lập mô hình trồng nấm rơm, nấm dai và cả chế biến trà sâm bố chính”, bà Nguyệt chia sẻ.
Chia sẻ về mô hình chế biến trà sâm bố chính, bà Huyền cho hay: “Tôi đã nghiên cứu về loại sâm này rất lâu và thấy rằng Nhơn Mỹ, quê hương của chị Nguyệt thích hợp trồng loại cây này. Còn tôi sẽ lo khâu trang thiết bị, máy móc để sản xuất, chế biến. Ngoài ra, khi các chị em trong vùng trồng khổ qua, bí đao không tiêu thụ được, chúng tôi sẽ thu mua để chế biến thành trà, giúp giải quyết khó khăn trước mắt, không sợ thương lái ép giá”.
Cùng hướng về cộng đồng
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, hoạt động của đôi bạn CCB kiêm giám đốc HTX còn góp phần giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá Lành Nhơn Hưng có 9 thành viên, mỗi thành viên tương ứng với 1 gia đình. Ngoài ra, HTX còn có sự tham gia của một số phụ nữ chuyên trồng sả để cung cấp nguyên liệu chế biến tinh dầu. Còn HTX Nông Công Thương An Nhơn giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên, công ty của gia đình bà Lê Thị Nguyệt còn có hơn 50 lao động.
Bà Lê Thị Nguyệt chuẩn bị một số sản phẩm từ tinh dầu sả để tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại kinh tế tập thể, HTX năm 2024 khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP Quy Nhơn. Ảnh: T.K
Theo bà Nguyệt, ngoài giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, lợi nhuận từ việc sản xuất tinh dầu sả, hai chị em sẽ trích ra một phần để tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; đồng thời chung tay với Hội LHPN địa phương nấu bánh chưng, bánh tét tặng cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn dịp tết Nguyên đán.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Khu vực trưởng khu vực Hòa Cư (phường Nhơn Hưng), bà Đinh Thị Lệ Huyền còn tích cực vận động người dân hiến đất làm đường, giải quyết một số vấn đề tại địa phương, thành lập nhóm chị em tập thể dục rèn luyện sức khỏe...
“Tôi và chị Nguyệt cũng đã thảo luận, dù kinh doanh HTX lợi nhuận không cao nhưng giúp được hội viên hội CCB, hội viên phụ nữ có hướng phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa”, bà Huyền tâm sự.
THẢO KHUY