Philippines và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng
Mặc dù đều nhận thấy vai trò của Mỹ là không thể thay thế, nhưng cả Philippines và Nhật Bản đều đang chuẩn bị cho những bất ổn trong tương lai.
Philippines và Nhật Bản vừa hoàn tất việc ký kết Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) sau nhiều năm thương thảo. Đây là thỏa thuận về lực lượng thăm viếng trên thực tế vì nó thiết lập “quy trình cho các hoạt động phối hợp khi lực lượng quân sự của nước này đến thăm nước kia và xác định vị thế pháp lý của lực lượng thăm viếng”. Theo đó, RAA cho phép LLVT của Philippines (AFP) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) mở rộng các hoạt động quân sự chung một cách đáng kể, bao gồm các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng tương tác và phản ứng chung trước các sự cố bất ngờ, như thảm họa hay xung đột vũ trang.
Ngoài ra, RAA cũng dọn đường cho việc chuyển giao và trao đổi các hệ thống vũ khí ngày càng phức tạp. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Manila đang hiện đại hóa lực lượng cảnh sát biển để đối phó với những tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù đều nhận thấy sự không thể thay thế của Mỹ, nhưng cả hai cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai, nhất là ngày càng có nhiều lo ngại về chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa đơn phương của Mỹ nếu ông Donald Trump tái cử.
Australia, Nhật Bản, Philippines và Mỹ tiến hành tập trận hàng hải chung ở Biển Đông hồi tháng 4.2024. Ảnh: Liz Dunagan/US Navy.
Từ lâu, Nhật Bản được cho là vẫn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh nhờ liên minh với Mỹ theo học thuyết Yoshida. Tuy nhiên, nước này cũng dần tạo dựng chỗ đứng riêng như là một “lực lượng thứ 3” tiềm tàng tại khu vực quan trọng như Đông Nam Á. Về mặt kinh tế, Nhật Bản tiếp tục vượt mặt các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, về đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn cũng như viện trợ phát triển cho các nước như Việt Nam hay Philippines. Điều này phần nào lý giải việc Tokyo được xem như “quyền lực mềm” ở khu vực ASEAN. Khi còn nắm quyền, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặc biệt tập trung đẩy mạnh quan hệ Nhật Bản - ASEAN và Philippines là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho vai trò an ninh của Nhật Bản ở châu Á. Năm 2018, lần đầu tiên kể từ thời hậu chiến, Nhật Bản triển khai xe bọc thép trong các cuộc tập trận chung với Philippines và trong những năm tiếp theo, quan hệ quân sự giữa 2 nước càng được đẩy mạnh. Đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tăng cường hợp tác chiến lược với Manila dưới hình thức đối tác an ninh 3 bên Nhật Bản - Philippines - Mỹ (JAPHUS).
Với RAA, Tokyo có thể tăng cường vai trò an ninh ở khu vực này và quan trọng hơn, cho phép cả 2 quốc gia chuẩn bị và ứng phó hiệu quả hơn với các sự cố tiềm tàng, nhất là trong chia sẻ thông tin tình báo, tập trận chung và chuyển giao công nghệ nhằm đối phó với hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với Manila, phát triển đối tác phòng thủ với Nhật Bản cũng giúp nước này bớt phụ thuộc vào Mỹ, tiếp cận công nghệ cao và các chương trình huấn luyện vốn rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của AFP. Sự hợp tác giữa Nhật Bản và Philippines còn phản ánh mong muốn của các quốc gia tầm trung trong việc nâng cấp năng lực phòng thủ và sự tự chủ chiến lược trong bối cảnh nguy cơ “Chiến tranh lạnh mới” đang hiện hữu.
LÊ QUẢNG (Theo The Interpreter)