Hồi sinh những vùng “đất chết”
Để hồi sinh những vùng “đất chết” bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ tại địa bàn xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), hơn 2 tháng qua, các cán bộ, chiến sĩ Đội Rà phá bom mìn, vật nổ (thuộc Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3) đã nỗ lực khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại các làng Canh Thành, Canh Lãnh, giúp người dân an tâm phát triển sản xuất, canh tác.
Trong một chuyến công tác vào giữa tháng 7.2024, chúng tôi có dịp được đồng hành cùng thiếu tá Bùi Bá Huy, Đội trưởng Đội Khảo sát kỹ thuật (thuộc Đội Rà phá bom mìn, vật nổ (BMVN), Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3) và các chiến sĩ cùng đi thực hiện khảo sát một khoảnh đất trồng keo lai của người dân tại làng Canh Thành (xã Canh Hòa), có tục danh đèo Ông Cửu, nghi còn sót BMVN sau chiến tranh.
Các chiến sĩ công binh tổ chức khoanh vùng, rà phá diện tích đất nghi còn sót lại BMVN. Ảnh: D.Đ
Băng qua những con đường mòn dốc để vào cánh rừng trồng keo, tại đây, qua sự phân công, các chiến sĩ đã tự chia thành nhiều nhóm 1 - 2 người tổ chức giăng dây, cắm cờ trắng, dùng máy rà trên bề mặt đất ở những khoảnh đất nghi còn sót BMVN. Khi máy dò báo tín hiệu mục tiêu, chiến sĩ Bùi Văn Quang (nhân viên Đội Khảo sát kỹ thuật) cắm cờ đỏ, dùng các vật dụng cắm nhẹ xuống đất để tìm mục tiêu; chẳng mấy chốc một quả đạn rocket dần lộ ra. Qua sự hướng dẫn của Đội trưởng Bùi Bá Huy, anh Quang đã xử lý thành công quả đạn đưa về bãi tập kết.
Anh Quang tâm sự: “BMVN vùi lấp dưới đất hàng chục năm, nhưng sự nguy hiểm của chúng vẫn còn. Vì vậy, chúng tôi luôn phải học hỏi, nắm vững quy trình, kỹ thuật xử lý. Quan trọng nhất vẫn phải chú ý vào việc mình đang làm, chỉ cần một sai sót nhỏ trong thao tác cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình và đồng đội”.
Chiến sĩ Bùi Văn Quang (phải) được thiếu tá Bùi Bá Huy (Đội trưởng Đội Khảo sát kỹ thuật) hướng dẫn xử lý thành công quả đạn rocket. Ảnh: D.Đ
Theo thiếu tá Bùi Bá Huy, hiện có 52 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ theo Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” tại địa bàn xã Canh Hòa. Qua khảo sát tại các làng Canh Thành, Canh Lãnh, diện tích đất bị ô nhiễm BMVN là 452 ha. Qua gần 2 tháng làm nhiệm vụ, Đội đã xử lý trực tiếp nhiều vật nổ và báo cáo cho Bộ CHQS tỉnh đưa đi tiêu hủy.
“Nhờ đó, có trên 52,25 ha đất sản xuất đã được “làm sạch”, người dân có thể yên tâm trồng trọt, canh tác. Đội đã chỉ đạo các tổ vào khảo sát, dò sâu, nỗ lực giải phóng nhanh nhất những vùng “đất chết” còn lại, trả lại đất đai an toàn cho người dân phát triển kinh tế”, thiếu tá Huy cho biết.
Cán bộ Văn hóa - Xã hội (UBND xã Canh Hòa) cùng bộ đội công binh giới thiệu về sự nguy hiểm của các loại BMVN. Ảnh: D.Đ
Ông Đinh Văn Khó (dân tộc Bana, ở làng Canh Lãnh) có gần 7 sào đất trồng khoai mì cao sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một số diện tích trên mảnh đất này gia đình ông bỏ hoang, vì trong lúc canh tác đào trúng một số vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Từ khi được bộ đội công binh vào tháo gỡ hết vật nổ, gia đình ông đã tiếp nhận lại đất để canh tác.
Ông Khó cho hay: “Bên cạnh tháo gỡ vật nổ, các chiến sĩ công binh còn giúp gia đình tôi cải tạo đất và hướng dẫn trồng thêm nhiều loại cây trồng nông nghiệp cho năng suất cao hơn, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi rất cảm ơn các chiến sĩ”.
DUY ĐĂNG