Trưng bày chuyên đề về Hoàng Sa, Trường Sa:
Những minh chứng khẳng định chủ quyền
Trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - biển đảo Việt Nam” do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức (tại 26 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn) là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 115 ảnh, 14 bản đồ, 2 bản trích, 12 tư liệu giấy và sưu tập sách chuyên đề là những minh chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - biển đảo Việt Nam” thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân trong tỉnh.
Những bằng chứng lịch sử
Đây là lần đầu tiên, trưng bày chuyên đề về Hoàng Sa, Trường Sa được tổ chức tại tỉnh ta. Bà Trần Thị Huyền Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã ấp ủ về một trưng bày giới thiệu các tư liệu lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Bình Định. Chuẩn bị cho lần trưng bày này, từ một năm trước, cán bộ của Bảo tàng đã liên hệ với Phòng lưu trữ, tư vấn và thông tin di sản Hội An (Quảng Nam), Viện Nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng… để được hỗ trợ về tư liệu”.
Nội dung trưng bày có 4 phần chính. Phần 1 giới thiệu về những chứng tích liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, gồm 14 bản đồ cổ. Đồng thời có 26 hình ảnh, tư liệu, bản trích về quá trình thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Phần 2 gồm 19 hình ảnh và tư liệu có từ trước năm 1975. Dựa vào các cứ liệu này có thể thấy, đã có nhiều hoạt động liên tục củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như cho cắm cờ, lập bia đá, xây dựng trạm khí tượng, cơ sở quân sự, bố trí lực lượng bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Phần 3 là 58 hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa từ 1975 đến nay. Những hình ảnh cho thấy sự gian khổ, hy sinh thầm lặng và cuộc sống của chiến sĩ, người dân đất đảo. Đặc biệt là những hình ảnh “biết nói” về tinh thần anh dũng của người lính hải quân trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin và Đảo Đá Tây năm 1988…
Phần 4 là 26 hình ảnh ghi lại những hoạt động thiết thực của nhân dân Bình Định với Hoàng Sa, Trường Sa. Những hình ảnh này đã thể hiện ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, nhân dân Bình Định, chung sức cùng cả nước hướng về đảo thiêng. Trong chuyến ra thăm Trường Sa của đoàn đại biểu Bình Định năm 2009 và dự lễ kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng huyện đảo Trường Sa (19.4.1975-19.4.2009), lãnh đạo Đảo Nam Yết đã tặng cho nhân dân Bình Định lá cờ Tổ quốc khổ lớn từng tung bay trên đảo này suốt 34 năm. Món quà rất có ý nghĩa này cũng được giới thiệu trong dịp này.
Bồi đắp tình yêu biển đảo
Trong buổi sáng khai trương trưng bày, cụ Võ Ngọc An, ở đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn, đã có mặt “để được tận mắt xem những bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa”. Ở tuổi 79, cụ chậm rãi, chăm chú “soi” từng bức ảnh, tấm bản đồ. “Thời còn dạy học ở Nhơn Lý, tôi từng nghe kể về những người dân Chánh Oai (Phù Cát) tham gia Hải đội Hoàng Sa, chuyên lặn nhum để tiến vua. Tuy khó tìm được cứ liệu lịch sử để chứng minh, nhưng vẫn thấy tự hào vì những đóng góp của dân Bình Định trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo quê hương từ những ngày đầu. Tôi nghĩ, việc đem các tư liệu này trưng bày ở các vùng ven biển sẽ rất có ý nghĩa đối với lớp trẻ hôm nay”, cụ An tâm sự.
Trưng bày tư liệu lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa là một hoạt động thiết thực, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này; đồng thời khẳng định tình cảm của nhân dân cả nước nói chung, Bình Định nói riêng dành cho đảo thiêng của đất nước. “Đó cũng là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Đặc biệt, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống chủ quyền biển đảo, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Dương Tấn Sinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết.
Sau điểm trưng bày Bảo tàng, hoạt động trưng bày sẽ tiếp tục được đưa về cơ sở, ưu tiên cho các trường học, địa phương ven biển trong tỉnh, nhằm đưa bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa đến với nhân dân rộng rãi hơn.
SAO LY