Tỉnh táo, cân nhắc khi “đu trend”
Hiện nay, thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến. Ðáng báo động là đã xuất hiện tình trạng lệch chuẩn trong phát ngôn, phát các clip “đu trend” chưa phù hợp với văn hóa, truyền thống dân tộc.
Cạm bẫy khi “đu trend”
Trend (tạm dịch là “xu hướng”) là câu nói, hành động, hình ảnh được nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) biết đến, sử dụng và lan truyền; thường thể hiện qua từ khóa hiển thị trên các ứng dụng như Facebook, Tiktok, Instagram…
Lê Na (phải) cùng bạn bè bàn luận về một số xu hướng nổi bật trên mạng xã hội hiện nay. Ảnh: D.L
Theo thời gian, các xu hướng hình thành, thu hút một bộ phận người trẻ tham gia. Trong đó, phần lớn mang tính giải trí như meme (hình ảnh, câu nói, clip hài hước), các clip làm theo vấn đề xã hội đang quan tâm.
Tuy nhiên, ranh giới giữa hài hước và phản cảm khá mong manh, dễ dẫn đến lệch chuẩn. Chẳng hạn như việc một số cư dân mạng trẻ tuổi chia sẻ phát ngôn của những “giang hồ mạng” vì thấy hài hước, vô tình khiến các đối tượng này trở nên nổi tiếng trên các trang MXH. Số khác vì những lượt view, lượt like mà nhanh tay “bắt trend” bằng cách làm các clip học theo lời nói, hành vi lệch lạc của những đối tượng trên.
Ngoài ra, không khó để bắt gặp clip các bạn trẻ khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể bằng cách nhảy trên nền nhạc sôi động, bắt tai, bất chấp ca từ trái với thuần phong mỹ tục. Tình trạng này diễn ra phổ biến nhất ở các tài khoản của KOL (người có tầm ảnh hưởng trên MXH, có thể dẫn dắt dư luận…) làm công việc quảng cáo sản phẩm, nhằm thu hút sự chú ý, tăng mức độ phủ sóng cho sản phẩm, đồng thời kêu gọi cư dân mạng tặng quà.
Điều này khiến một bộ phận người dùng là trẻ vị thành niên làm theo và tạo thành các trào lưu chưa phù hợp với lứa tuổi. Thực tế, đây không phải chuyện mới. Vào giữa năm 2023, clip các học sinh mặc áo dài, đứng lên bàn ghế… nhiệt tình nhảy trên nền nhạc có lời được chế từ bài thơ “Lượm” như: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu cắt moi”… nhanh chóng thu hút hơn 25 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận. Chưa hết, file nhạc này còn được sử dụng cho hàng triệu các clip khác.
Với suy nghĩ “MXH là thế giới cá nhân”, các bạn trẻ nói trên sẵn sàng làm mọi cách để được nhiều người biết đến mà không nghĩ đến hậu quả.
Thường sử dụng Tiktok - nơi xuất hiện nhiều clip “trend” được giới trẻ yêu thích, chị Trần Thị Hồng Hạnh (SN 2000, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ), chia sẻ: “Một số bạn trẻ chỉ quan tâm đến việc tạo nội dung sao cho thật nhanh, thậm chí gây tranh cãi để tăng lượt xem, tương tác. Điều này dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, phục vụ cho mục đích xấu. Bản thân các bạn cũng chịu nhiều tai tiếng khi chọn cách làm này”.
Sử dụng đúng cách, an toàn, tích cực
Đu “trend” không xấu, thực tế có nhiều trend tích cực được các bạn trẻ thực hiện như hóa thân vào nhân vật lịch sử và nhắc lại những câu nói nổi tiếng; làm clip ngắn với nội dung ghi nhớ công ơn anh hùng liệt sĩ; lồng các ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước vào clip quảng bá du lịch, điểm đến…
Có thể kể đến “hot trend” biến hình từ trang phục thường ngày sang trang phục truyền thống dân tộc như áo Nhật Bình, áo dài, áo tứ thân, trang phục của người dân tộc thiểu số… giúp giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách đa dạng, sinh động.
Số khác, ngày càng nhiều tài khoản trở nên phổ biến với việc sáng tạo nội dung là những sản phẩm đa phương tiện, được đầu tư nội dung, hình thức chỉn chu xoay quanh những nhân vật lịch sử có công chống giặc ngoại xâm, các trận đánh quan trọng; góp phần đưa lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ.
Cho rằng mỗi người trẻ nên là cư dân mạng văn minh, Lê Na (SN 2009, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) bày tỏ: “Khi thực hiện các clip đang là xu hướng, em cùng bạn bè sẽ tìm hiểu thông qua các từ khóa, chú ý phần bình luận rồi mới quyết định có làm hay không. Tiêu chí cho việc này luôn là phù hợp với độ tuổi, không phản cảm và có thông điệp rõ ràng”.
Song song với ý thức của người trẻ, khâu tuyên truyền của các tổ chức, đơn vị cũng đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã chú trọng hệ thống MXH từ cấp tỉnh đến cơ sở. Riêng fanpage Tuổi trẻ Bình Định đều đặn hằng ngày vào ba khung giờ chính (8 - 10 giờ, 11 - 13 giờ, 17 - 19 giờ) sẽ đăng tải các thông tin chính thống, tích cực về những thành tựu của đất nước, của tỉnh. Kèm theo đó là mô hình “Mỗi tuần 1 tấm gương tuổi trẻ đất Võ tiêu biểu”, lan tỏa những điển hình đoàn viên, thanh thiếu nhi nổi bật trong mọi lĩnh vực…, góp phần “phủ xanh” MXH.
Cùng với đó, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh cũng tổ chức các buổi truyền thông, giáo dục kỹ năng sử dụng MXH cho đoàn viên, thanh thiếu nhi - đối tượng sử dụng MXH hằng ngày.
Anh Trần Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, cho biết: “Chúng tôi tập trung vào kỹ năng nhận biết các mối nguy hại trên không gian mạng; giữ an toàn, bảo mật thông tin cá nhân và phòng, chống bạo lực mạng. Đây là những nội dung cơ bản mà các bạn cần nắm chắc để trở thành một cư dân mạng thông minh, văn minh”.
DƯƠNG LINH