Nỗ lực nhiều hơn với trẻ khuyết tật
Nhiều năm nay, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn thường xuyên kết nối với các đơn vị, chủ động tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật.
Gần đây nhất, trường phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV) tổ chức tập huấn chuyên đề “Sử dụng các công cụ sàng lọc, lượng giá mức độ phát triển khuyết tật” và “Lượng giá và can thiệp giáo dục cho trẻ khiếm thính”.
Giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn tham gia tập huấn hoạt động “Sử dụng các công cụ sàng lọc, lượng giá mức độ phát triển của trẻ khuyết tật”. Ảnh: NTCC
Cô Phương Ái Vân, Tổ trưởng tổ khuyết tật trí tuệ, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, bày tỏ: Qua chương trình, tôi và các giáo viên được củng cố kiến thức về các công cụ sàng lọc, lượng giá mức độ phát triển của trẻ khuyết tật qua các bộ test như: Denver, ASQ - 3, PEP-R… cho học sinh chậm phát triển trí tuệ. Bộ công cụ hỗ trợ đánh giá, miêu tả được điểm mạnh, điểm yếu của trẻ trong phát triển hành vi, đánh giá trẻ theo chỉ số “đạt”, “không đạt” hay “có khả năng”; từ đó, tính ra được tuổi trí tuệ, giúp giáo viên đưa ra bài tập, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Tương tự, cô Đỗ Thị Xuân Thảnh, giáo viên lớp khiếm thị, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tâm sự: “Nội dung “Lượng giá và can thiệp giáo dục cho trẻ khiếm thính” đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích để tôi áp dụng giảng dạy thực tế tại lớp, đặc biệt là nội dung sửa lỗi phát âm. Vì thực tế, sửa lỗi phát âm và phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính không chỉ áp dụng riêng cho trẻ khiếm thính mà còn linh hoạt áp dụng cho cả trẻ tự kỷ, trẻ có khó khăn về ngôn ngữ và trẻ khiếm thị”.
Bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những đợt tập huấn tạo điều kiện để giáo viên củng cố, nâng cao kiến thức hỗ trợ giảng dạy. Thời gian tới, nhà trường thường xuyên áp dụng công cụ sàng lọc, lượng giá mức độ phát triển của trẻ khuyết tật qua các bộ test (Denver, ASQ - 3, PEP-R), qua đó so sánh đối chiếu để nhận định kết quả của học sinh một cách chính xác, công bằng nhất. Nhà trường tiếp tục xây dựng các chuyên đề và thực hành ở trẻ để cùng trao đổi, rút ra kinh nghiệm thực tế, định hướng giảng dạy phù hợp với trẻ đang học tại trường.
Hiện Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn có hơn 160 học sinh khuyết tật theo học. Đối với những học sinh can thiệp cá nhân tại trường, nhà trường phân công nhân viên hỗ trợ thường xuyên theo dõi, đánh giá, quan tâm xem xét sự tiến bộ của học sinh và cải thiện những mặt còn hạn chế.
HỒ ÐIỆP