Lực lượng QLTT và CA Bình Định: Phá vụ làm hàng giả các loại bột ngọt, bột nêm
Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với mạng lưới giám sát thị trường của Công ty Unilever Việt Nam đã bắt quả tang một vụ làm hàng giả với hơn 7 tấn bột ngọt, bột nêm giả các nhãn hiệu quen thuộc trên thị trường như A-One, Knorr, Orsan. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đây là vụ làm hàng giả lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định bị phát hiện…
Từ giữa năm 2014, nhận thấy nhãn hàng bột ngọt, bột nêm A-One, Knorr, Orsan của mình đột ngột giảm sút doanh số bán hàng, Công ty Unilever Việt Nam đã điều động nhân viên kiểm soát thị trường có kinh nghiệm đến Bình Định để tìm hiểu căn nguyên.
Qua nhiều ngày “ăn nằm” ở các chợ, điểm mua bán trên địa bàn Quy Nhơn và vùng lân cận, người của Unilever phát hiện có nhiều cửa hàng bán các loại bột ngọt, bột nêm này nhưng chỉ bằng 2/3 giá bán của Công ty đưa ra. Thông tin trên được trình báo về cho Cơ quan Quản lý thị trường tỉnh và Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CA tỉnh.
Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, xác minh đối tượng đã cung cấp số hàng giả tại các chợ, điểm mua bán. Đến đầu tháng 9, lực lượng trinh sát CA tỉnh xác định số hàng giả này xuất phát từ Công ty TNHH Đại Tân ở KV2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Đúng 14 giờ 30 phút ngày 9.9.2014, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty này, bắt quả tang 4 đối tượng đang thực hiện hành vi làm hàng giả.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Đội trưởng Đội quản lý thị trường chống hàng giả, cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát kinh tế đề phòng doanh nghiệp tẩu tán, phi tang số hàng giả nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Vì vậy, khi chúng tôi ập vào, 4 người làm công vẫn còn ngơ ngác…”. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ gần 7.200 kg bột ngọt, hạt nêm, bao bì, dụng cụ như máy ép nhựa, máy khâu miệng bao dùng để làm nhái các nhãn hiệu Knorr, A-One, Orsan.
Công ty TNHH Đại Tân do Phan Thành Tân (SN 1979) làm chủ, đăng ký kinh doanh ngành nghề phân phối hàng thực phẩm, có vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Nhưng, ngoài phân phối một số hàng hóa theo chức năng đã đăng ký, Công ty “tranh thủ” làm hàng giả để kiếm lời.
Tại Cơ quan điều tra, Tân khai đã vào chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh đặt mua bột ngọt Trung Quốc, đặt làm giả bao bì, nhãn mác của các thương hiệu bột ngọt, hạt nêm đang bán chạy trên thị trường; đồng thời đặt mua cả tem... kiểm định hàng thật của Unilever (tất nhiên là tem giả). Tân về thuê 4 lao động làm việc tại kho, lấy bột ngọt Trung Quốc (dạng bao 30 kg mua từ TP.Hồ Chí Minh) sang qua bao bì nhỏ (loại 500g và 1kg) dán nhãn A One, Orsan và Knorr, gắn nhãn mác... rồi đưa ra thị trường.
Tân khai tiếp: “Trước, tôi kinh doanh phân phối đồ điện gia dụng, nhưng do làm ăn thất bại nên chuyển sang phân phối hàng thực phẩm tiêu dùng được gần 2 năm thôi nhưng cũng khó khăn. Để gỡ gạc chút đỉnh, tôi mới nghĩ ra chuyện làm hàng giả. Tôi làm được mới 2 tháng thôi, tính kiếm chút đỉnh rồi thôi, chứ tôi biết việc mình làm là phạm pháp...”. Tuy nhiên, lời khai này lại mâu thuẫn với số lượng lớn bao bì, nhãn mác được Tân tập kết đầy trong kho hàng, mà theo ước tính của cơ quan chức năng thì đủ để làm hàng chục tấn hàng giả.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Đội trưởng Đội quản lý thị trường chống hàng giả Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cảnh báo: “Việc phân biệt bột ngọt, hạt nêm thật và giả không khó. Hàng thật thì bao bì mẫu mã đẹp, có nếp gấp ở hai bên. Còn hàng giả màu sắc nhạt hơn và không có nếp gấp. Ngoài ra, hàng thật bán đúng giá, hàng giả thì giá rẻ chỉ bằng 2/3 giá hàng thật, nhưng có lẽ vì tâm lý ham rẻ mà bà con mình vô tình đã tiếp tay cho hàng giả tồn tại”.
HỒNG NGỌC