Giọng hơ’mon tuôn theo mây núi
Những không gian sử thi hào hùng, những trận đánh giữ đất, bảo vệ chính nghĩa trong giọng kể hơ’mon bên bếp nhà sàn, đã theo bóng người xưa nhẹ như gió tuôn theo mây núi, chỉ còn lại những nuối tiếc...
Ký ức hơ’mon
Theo nhiều nhà nghiên cứu, hơ’mon còn được gọi là sử thi hay trường ca, được các nghệ nhân trình bày dưới dạng hát, kể với ngữ điệu, sắc thái, cường độ thay đổi linh hoạt theo tình tiết chuyện; thể hiện xen kẽ văn vần với văn xuôi. Đề tài chủ yếu mà hơ’mon hướng đến là về những người anh hùng.
Các nghệ nhân tâm huyết với văn hóa truyền thống Bana Kriêm đang cố gắng góp phần gìn giữ di sản dân tộc mình.
- Trong ảnh: NNND Đinh Chương trong một ngày hội dân gian của người Bana Kriêm tại Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh. Ảnh: V.P
Lần tôi được nghe hát, kể hơ’mon nhiều hơn cả là lần gặp được Bok Đoàng ở làng M9, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh trong một đêm mùa đông đã nhiều năm trước. Đó là hơ’mon có tên là Dyông Wiwin - một nhân vật anh hùng của người Bana xưa. Dyông Wiwin có sức mạnh hơn người, giỏi võ nghệ. Chàng trai phi thường này đã đánh bại được quái thú ba ba khổng lồ để cứu nàng tiên xinh đẹp nhất làng, trừ họa cho người dân rồi sau đó cưới nàng làm vợ. Nội dung chính của hơ’mon là thế, nhưng những chi tiết về nỗi khổ đau của nàng tiên, những cuộc chiến của dân làng với quái thú, trận tử chiến của Dyông Wiwin được dẫn dắt qua lời hát kể của nghệ nhân già đầy cuốn hút, kịch tính.
Trong không gian nhà sàn, khi trời đã kéo rèm đêm đặc sánh, tiếng côn trùng vọng từ cánh đồng xa xa rỉ rả, giọng Bok Đoàng ngân lên dìu dặt, khi thúc giục, khi rủ rỉ tâm tình như dắt người nghe bước vào thuở xa xưa nào đó. Trong không gian im ắng của đêm đông, tiếng nghệ nhân già như dệt nên không gian huyền hoặc xa xưa.
Tiếc thay, nay tôi cùng nhiều người chẳng thể nghe Bok Đoàng trình diễn hơ’mon nữa. Ông đã theo Giàng về với người xưa. Mà những người như ông cũng thưa vắng hơn.
Cấp thiết lưu giữ
Nhà nghiên cứu Yang Danh bảo rằng, một nghệ nhân hơ’mon thực sự phải là người có giọng hát tốt, khỏe, phải thuộc nhiều làn điệu. Đồng thời, phải biết xử lý cốt truyện, biết phân đoạn phân câu, nhuần nhuyễn câu chuyện của mình kể mà xử lý âm điệu, lấy hơi, chọn nơi luyến láy nhằm dẫn dắt câu chuyện sinh động. Thật tiếc, những vốn liếng ấy không dễ tìm được người để trao truyền, mà nếu tìm được người có tố chất như thế chưa chắc họ đã nhận trao truyền. Nhiều nghệ nhân vì lớn tuổi đau ốm đã ra đi. Cháu con của họ cũng không mấy mặn mà với di sản của cha ông mình. Niềm thắc thỏm như hằn lên ánh nhìn đăm chiêu của những nghệ nhân già…
Nhắc về Bok Đoàng, nghệ nhân Đinh Y Nam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, xót tiếc: “Bok Đoàng nắm giữ hàng chục bài hơ’mon và có khả năng hát kể hơ’mon rất tốt. Ngày trước, tôi từng hỗ trợ nhà nghiên cứu Hà Giao ghi âm bài hơ’mon của anh, giúp anh dịch sang tiếng Kinh. Anh mất, khắp Vĩnh Hòa chẳng còn ai có thể hát, kể hơ’mon nữa”.
Hơ’mon chủ yếu được truyền nối theo kiểu truyền miệng. Việc lưu giữ hơ’mon bằng cách ấy vì thế cũng trở nên khó khăn, bởi có nhiều bài hơ’mon dài mà người nghệ nhân phải hát, kể đến hai ba đêm ròng. Rất khó nhớ, khó thuộc. Hiếm hoi bài hơ’mon được giữ lại qua sự kỳ công điền dã, ghi âm, phiên dịch của các nghệ nhân và in thành sách. Cho đến hiện tại, những bài hơ’mon của cộng đồng Bana tại Vĩnh Thạnh chỉ được lưu giữ ít ỏi qua sách nghiên cứu về hơ’mon, sử thi của nhà nghiên cứu Hà Giao; gần đây là nhà nghiên cứu Yang Danh với cuốn Hơ’mon Jăm Joong. Nhà nghiên cứu Yang Danh tâm sự: “Nghệ nhân Đinh Nôn, người ngày xưa từng hát kể Hơ’mon Jăm Joong rất hay, nhưng ông yếu quá, đau ốm triền miên rồi cũng về với Giàng sau tết Nguyên đán năm nay”.
Nhắc về hơ’mon, không khỏi chạnh lòng, nghệ nhân nhân dân Đinh Chương tâm sự: “Gần chục năm nay, dần dà không gian hơ’mon ở xã Vĩnh Sơn quê tôi thưa vắng dần. Người giỏi hơ’mon nhất Vĩnh Sơn, cũng là nghệ nhân hơ’mon hàng đầu của Vĩnh Thạnh là NNƯT Yă Xuâng cũng đã mất năm 2023, làm cho không gian hơ’mon thêm mất hút”.
Hơ’mon rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bana, đề cao chính nghĩa, kết nối cộng đồng. Nhưng việc trình diễn hơ’mon hiện tại gần như chẳng còn. Việc lưu giữ hơ’mon hiện nay gặp không ít khó khăn. Phải làm sao lưu giữ các bản gốc hơ’mon vào sách để cho thế hệ cháu con biết đến bản sắc văn hóa mà dân tộc mình từng có là nỗi trăn trở lớn của những người nặng lòng với văn hóa Bana Kriêm.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh tâm tình: “Chúng tôi đang tìm các nghệ nhân hiếm hoi còn lại nắm giữ các bài hơ’mon. Như vừa rồi qua xã Vĩnh Kim, phát hiện có nghệ nhân Bok Toen còn hát kể, nắm giữ được một số vốn liếng hơ’mon, thực sự chúng tôi rất mừng và đang tìm kiếm thêm những nghệ nhân như vậy. Tôi nghĩ rằng, lưu giữ lại những bài hơ’mon xưa là việc làm rất cấp thiết, vì nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi và không đủ sức khỏe, sự minh mẫn để nhớ và trình diễn hơ’mon. Mong rằng, các cấp các ngành văn hóa sẽ cùng đồng hành cùng nghệ nhân chúng tôi để lưu giữ nét văn hóa độc đáo này”.
VÂN PHI