Phát động Giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các phóng viên, nhà báo và vinh danh các nhà giáo, những tấm gương điển hình tiên tiến trong dạy – học. Bên cạnh phản ánh những vấn đề “nóng”, những tấm gương, mô hình...
Chiều 1.8, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố Giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, báo chí luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Giáo dục. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là sân chơi để phóng viên, nhà báo có thêm động lực, giao lưu. Qua mỗi năm, Ban tổ chức rút kinh nghiệm để giải ngày càng có ý nghĩa, mang lại giá trị lớn và lan tỏa những giá trị tích cực đến xã hội.
Toàn cảnh cuộc họp báo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các phóng viên, nhà báo và vinh danh các nhà giáo, những tấm gương điển hình tiên tiến trong dạy - học. Bên cạnh phản ánh những vấn đề “nóng”, những tấm gương, mô hình; Thứ trưởng mong muốn các tác phẩm dự thi sẽ đề cập đến những vấn đề có tính hệ thống, tác động lâu dài như: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng cũng trân trọng ghi nhận các tác phẩm có tầm nhìn, với những dự báo để ngành Giáo dục có thêm cơ sở hoàn thiện chính sách.
Thông tin về thể lệ giải, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức cho biết, tác phẩm báo chí tham dự Giải là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5.9.2023 đến 5.9.2024. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.
Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm được công bố.
Tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.
Các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học.
Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tác giả tham gia Giải là công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phù hợp với tiêu chí của giải.
Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải. Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không gửi tác phẩm tham dự giải.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)