Cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ hộ nghèo, cận nghèo
Nhằm nâng cao tầm vóc cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em huyện An Lão, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua nhiều hoạt động thiết thực.
Tập trung cho huyện nghèo An Lão
An Lão hiện có 7.989 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 2.084 trẻ dưới 5 tuổi và 5.905 trẻ từ 5 - 16 tuổi. Là huyện nghèo duy nhất của tỉnh, nên An Lão cũng là địa phương duy nhất có 100% trẻ em dưới 16 tuổi được thụ hưởng Tiểu dự án 2.
Theo TTYT huyện An Lão, năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi và SDD thể gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi lần lượt còn 15,5% (giảm 1% so với năm 2022) và 6,3% (giảm 1% so với năm 2022); tỷ lệ SDD thể thấp còi ở các em từ 5 - dưới 16 tuổi chiếm 20% (giảm 1,5% so với năm 2022).
Theo ông Trương Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, nhờ sự quan tâm của tỉnh và nguồn lực Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống SDD trẻ em và Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng, TTYT huyện đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể như: Tập huấn kiến thức nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã, y tế trường học, y tế thôn, cộng tác viên dinh dưỡng về chăm sóc “1.000 ngày đầu đời”; tư vấn và truyền thông trực tiếp nội dung chăm sóc “1.000 ngày đầu đời” cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi…
Bên cạnh đó, trong năm 2023, TTYT thực hiện khám định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, triển khai 5 mô hình chăm sóc dinh dưỡng “1.000 ngày đầu đời” tại các xã khu vực III; bổ sung viên sắt cho hơn 500 phụ nữ mang thai và 397 trẻ em gái vị thành niên từ 12 - dưới 16 tuổi có kinh nguyệt; bổ sung gói đa vi chất cho 714 trẻ SDD từ 6 tháng - dưới 16 tuổi, lấy máu xét nghiệm tình trạng thiếu máu cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi và phụ nữ mang thai...
Để công tác phòng, chống SDD đạt hiệu quả tốt, ông Trương Ngọc Hưởng chia sẻ: “Ngoài các hoạt động chuyên môn, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Phòng GD&ĐT và các xã, thị trấn rà soát, khám sàng lọc cho trẻ tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; đồng thời triển khai các hoạt động truyền thông với các hình thức, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng”.
Nhân viên TTYT huyện Vân Canh kiểm tra sức khỏe và tư vấn cho bà mẹ sau sinh. Ảnh: T.K
Hoạt động đa dạng, thiết thực
Tuy số lượng trẻ em được thụ hưởng Tiểu dự án 2 ở các địa phương còn lại khá ít nhưng vẫn được quan tâm thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thành phố hiện có 210 trẻ dưới 16 tuổi được thụ hưởng Tiểu dự án 2, trong đó có 14 trẻ dưới 5 tuổi và 196 trẻ từ 5 - dưới 16 tuổi. Để giúp nâng cao tầm vóc cho các em, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP Quy Nhơn năm 2024.
Theo đó, TP Quy Nhơn tổ chức nhiều hoạt động can thiệp phòng, chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú, trẻ em 0 - 16 tuổi. Cụ thể như cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ có trẻ dưới 2 tuổi; bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi; bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi và các em từ 5 - dưới 16 tuổi bị SDD; phát hiện, điều trị và quản lý SDD cấp tính ở trẻ em tại cộng đồng...
Tại huyện Tuy Phước, theo ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện, mục tiêu của huyện là giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm sau thấp hơn năm trước; đảm bảo ít nhất 80% trẻ SDD thuộc đối tượng này được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Huyện đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã và đội ngũ y tế thôn làm công tác giảm nghèo; cấp dụng cụ thực hành dinh dưỡng cho các xã, thị trấn...
Còn ở huyện miền núi Vân Canh, Giám đốc TTYT huyện Lang Đình Bính cho biết: “Vân Canh có 1.330 trẻ dưới 5 tuổi và 3.143 trẻ từ 5 - dưới 16 tuổi thụ hưởng Tiểu dự án 2. Ngoài công tác chuyên môn phòng, chống SDD cho các em trong diện này, chúng tôi chủ động khảo sát bà mẹ mang thai để cấp vi chất, tư vấn bổ sung dinh dưỡng để thai nhi khỏe mạnh. Khi thai phụ đến sinh con tại cơ sở y tế, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các biện pháp nuôi con đúng cách”.
THẢO KHUY