Đường về nhà là vào tim ta…
Tản văn của ANH PHƯƠNG
Tôi có một đứa cháu gái năm nay học năm cuối đại học trong TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng tôi nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, học hành, cô bé hồ hởi, phấn khởi, cười nói tíu tít, kể đủ thứ chuyện rồi buột miệng: “Con nhớ nhà quá cô! Con cố gắng đăng ký học xong tín chỉ kỳ này con sẽ về quê, trong này, mỗi sáng con đi xe mà thấy biển số 77, lòng con mừng như muốn nhảy chân sáo, cảm giác reo vui vì được gặp đồng hương; con cũng nhớ mấy món ăn quê mình, bún cá, bánh ít lá gai, bánh hỏi cháo lòng…; hè này con về con dẫn bạn về chơi, cho bạn con biết xứ “đất võ trời văn…”. Bỗng nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”.
Sống giữa thành phố biển hiền hòa, xinh đẹp, với những con người đôn hậu, mến khách, giọng nói rặt xứ Nẫu: “Phia rầu mà sao mấy đứa chưa ngủ” (Khuya rồi mà sao mấy đứa chưa ngủ), “Đở đó chú dắt xe cho” (Để đó chú dắt xe cho)… chẳng mấy khi đi xa nhưng mỗi khi đi công tác về tôi cũng cảm thấy cảm giác thân thuộc, nhớ nhà, huống chi những người con đi học, đi làm ăn xa quê hương.
Một dạo, khi bài hát Đi về nhà của Justatee và Đen Vâu ra đời, mỗi khi nghe tôi thật sự thấm lời bài hát vì ngôn từ gần gũi, giản dị. Điệp khúc “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ thất bát vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta…” ngân vang ở khắp các con đường, ngõ hẻm như một thông điệp sống. Giọng Đen Vâu như thôi thúc bước chân ta trở về “Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà/ hạnh phúc đi về nhà/ cô đơn đi về nhà/ thành công đi về nhà/ thất bại đi về nhà/ mệt quá đi về nhà…”.
Tranh của họa sĩ HOÀNG NGUYÊN THẠCH
Và quả thực, như Đen Vâu hát, nhà không chỉ là nơi trú nắng, trú mưa, là nơi ta sinh ra và lớn lên bên ông bà, cha mẹ… mà rộng hơn đó chính là Gia Đình, là Quê Hương - là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, tâm hồn mỗi người, đó là nơi khởi nguồn của tình yêu thương, lòng vị tha, bao dung và nhân hậu; nơi chứa đựng những kỷ niệm, ký ức tuổi thơ; nơi luôn bảo bọc, chở che, lặng lẽ ngắm nhìn, lặng lẽ chứng kiến sự trưởng thành của mỗi chúng ta. Về nhà, ta được là chính ta.
Có thể bạn chưa thành công, thiếu chút may mắn, thậm chí đang chiến đấu với bệnh tật nhưng bạn có một mái nhà để trở về, có người thân yêu bên cạnh chăm sóc thì bạn đã đang hạnh phúc hơn rất nhiều người ngoài kia. “Nhà có thể lớn, có thể nhỏ, có thể không khang trang/ cha mẹ nào cũng muốn con được sống đàng hoàng/lớn lên làm người mong một tương lai xán lạn/ cặm cụi cả đời không bao giờ thấy than van…”.
Với guồng quay và nhịp sống của xã hội hiện đại, thời gian dành cho gia đình, người thân của mỗi cá nhân có thể hạn chế hơn nhưng không vì thế mà tình cảm gia đình, quê hương bị mai một. Có người nói giới trẻ bây giờ ít quan tâm đến gia đình, cha mẹ, người thân, coi nhẹ giá trị gia đình…, có thể đâu đó trong cuộc sống này có hiện tượng ấy, con người cụ thể ấy, song, tôi tin, trong sâu thẳm trái tim mỗi người luôn neo giữ tình cảm gia đình, tình cảm quê hương thiêng liêng, sâu sắc.
Mỗi chúng ta, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, già đi, trong tim ai cũng khắc sâu hình bóng quê nhà. Quê nhà chính là tâm (trái tim) nên “đường về nhà là vào tim ta”, về nhà là về với đùm bọc, yêu thương, che chở vô điều kiện. Nhà - chỉ có nơi này mới đủ bao dung với mọi lỗi lầm, khuyết điểm của ta. Chỉ có sống trong Nhà của ta, ta mới có cảm giác bình yên đến trọn đời.