Châu Á với viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử
Mặc dù có dấu hiệu thất thế sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử và để bà Kamala Harris thay thế, nhưng viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vẫn tiếp tục khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà quan sát ở châu Á lo ngại cho tương lai khu vực.
Sự lo ngại lên đỉnh điểm sau màn tranh luận gây thất vọng của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng 7, cộng với vụ ám sát hụt nhằm vào ông Donald Trump, được cho là góp phần giúp ông giành thêm điểm trong cuộc tranh cử. Những thay đổi bất ngờ này buộc khu vực phải có sự tính toán, nhất là sau những di sản của chính sách “America First” (nước Mỹ là trên hết) mà ông Donald Trump để lại trong nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Green Bay, Wisconsin, ngày 2.4.2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà phân tích cho rằng, một trong những hậu quả lâu dài nhất trong chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump là việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo PGS Kei Koga, phụ trách chương trình Các vấn đề toàn cầu và chính sách công tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), việc Mỹ rút khỏi TPP có lẽ là quyết định có tác động sâu rộng nhất đối với khu vực, vì “TPP là công cụ địa kinh tế quan trọng nhất để Mỹ tái khẳng định cam kết với châu Á và định hình kiến trúc kinh tế khu vực”. Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Bina Mandiri (Indonesia) Ayu Anastasya Rachman cho rằng, sự rút lui của Mỹ gây ra sự phân nhánh địa chính trị quan trọng, làm thay đổi cán cân quan hệ thương mại và giảm ảnh hưởng kinh tế của Washington đến khu vực. Điều này dọn đường cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng thông qua các sáng kiến như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 10 quốc gia ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Vậy nên, theo ông Ayu Anastasya Rachman, viễn cảnh trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump có thể đồng nghĩa với lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn, khiến khu vực bị phân cực nhiều hơn và buộc các nước phải quyết định “liên kết với Mỹ hoặc Trung Quốc”. Điều này khiến các nước lo lắng về khả năng tái cử của ông Trump sẽ làm căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng và ảnh hưởng xấu đến nền tảng của mạng lưới phòng thủ do Washington đứng đầu.
Theo ông Hunter Marston, nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Australia, nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều khả năng ông sẽ quay lại chính sách ngó lơ Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đang dần quen với sự thiếu vắng liên tục của Mỹ trong những năm gần đây. Theo đánh giá của các nhà quan sát, nhiều cuộc họp và hội nghị của các lãnh đạo khu vực thường bị Washington phớt lờ, nhất là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, khi đó ông đã bỏ qua 4 Hội nghị thượng đỉnh Đông Á liên tiếp từ năm 2017 đến 2020. Tổng thống Joe Biden cũng đối mặt với chỉ trích khi không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 ở Indonesia hồi tháng 9.2023.
Một động thái cụ thể mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện là Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines năm 2019, trong đó nói rõ Washington sẽ hỗ trợ Manila nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó tiếp tục chiến lược “răn đe hỗn hợp” này thông qua hợp tác an ninh với các nhóm tiểu đa phương, như “Squad” (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines). Chuyến công du 6 nước châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuần này cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ không quên cam kết với khu vực.
Ông Hunter Marston bày tỏ hy vọng rằng, nếu tái đắc cử, chính quyền của ông Donald Trump sẽ không buộc các nước Đông Nam Á phải chọn bên, trong khi ông Ayu Anastasya Rachman cẩn trọng cho rằng, chính sách của Mỹ có thể dẫn đến việc tăng cường xây dựng quân đội và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
LÊ QUẢNG (Theo SCMP)