Bên trong thế giới cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc
Hãy tưởng tượng điều này: Bạn cần nhận một gói hàng, nạp tiền cho thẻ đi tàu điện, ăn nhanh bữa trưa hay rút ít tiền mặt, và tại đa số quốc gia, bạn có thể phải đến các địa điểm riêng biệt, như bưu điện, ga tàu, nhà hàng hay máy ATM; nhưng ở Hàn Quốc, bạn chỉ cần đến cửa hàng tiện lợi gần nhất là có thể được đáp ứng tất cả nhu cầu trên và hơn thế nữa.
Một cửa hàng tiện lợi GS25 ở Seoul. Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty
Hàn Quốc hiện được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về số lượng cửa hàng tiện lợi với hơn 55.200 cửa hàng trên toàn quốc (tính đến cuối năm 2023), nhiều hơn số chi nhánh của McDonald trên toàn thế giới và có mật độ cửa hàng tính theo đầu người cao nhất (trung bình 950 người/cửa hàng). Các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc cung cấp gần như mọi thứ, từ đồ ăn, nước uống cho đến hàng gia dụng và các dịch vụ khác. Tại đây, khách hàng có thể sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn, rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến, nhận hàng hay thậm chí là sạc xe điện, mua bán ngoại tệ hay gửi thư quốc tế.
Sự phổ biến của cửa hàng tiện lợi cũng đồng nghĩa với nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ xu hướng này. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor có trụ sở ở London (Anh), từ năm 2010 - 2021, lợi nhuận từ các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc tăng gấp 4 lần, từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ USD. Mô hình thành công của các công ty Hàn Quốc cũng đang được nhân rộng ra nước ngoài. Hiện 3 trong số thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, gồm CU, GS25 và Emart24, mở các cửa hàng ở một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam và Malaysia.
HỒNG QUẢNG (Theo CNN)