Còn làm việc, còn thấy mình có ích
Nhiều người dù lớn tuổi nhưng chưa nghỉ ngơi mà vẫn chăm chỉ lao động để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Phía sau những giọt mồ hôi của sự cần mẫn ấy là nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở tinh thần “lao động là vinh quang”.
Tỉ mỉ đan từng nan nhựa, bà Trần Th.ị Tiến (73 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) tủm tỉm cười hạnh phúc nhìn cô cháu gái Trần Nguyễn Vân Linh (18 tuổi) chăm ngoan, tự giác phụ bà.
Bà Tiến hạnh phúc khi có cô cháu gái ngoan ngoãn phụ giúp bà làm việc. Ảnh: D.N
Gia đình bà Tiến thuộc diện hộ nghèo của xã, một mình bà gánh trên vai con trai bệnh tật và cháu nội đang tuổi ăn học. Do vậy, từ việc đồng áng, làm thuê cho hàng quán nhỏ gần nhà đến nhận đan nhựa giả mây tại nhà…, bà đều không ngại ngần.
“Ngồi làm lâu thì lưng lại mỏi, tay cũng đau nhức. Khi ấy, Linh ngồi cạnh sẽ xoa bóp ân cần rồi “giành” làm nốt phần còn lại. Thấy cháu hiểu chuyện như thế, tôi càng cố gắng làm lụng, được bao nhiêu hay bấy nhiêu để Linh yên tâm học hành”, bà Tiến tâm sự.
Cũng gánh trách nhiệm với gia đình, bà Nguyễn Thị Đức (58 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) thấy may mắn vì vẫn còn nghề để chăm chồng, nuôi cháu. Đều đặn 3 - 4 giờ hằng ngày, thậm chí 1 giờ sáng vào mùng 1 và rằm, bà lại vào bếp, chuẩn bị tươm tất những mẻ bánh xèo, bánh cuốn và nồi bánh canh nóng hổi.
Bà Đức gắn bó với quán chay nhỏ tại nhà hơn 20 năm, dựa vào đó kiếm thu nhập, lạc quan chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: D.N
Hơn 20 năm qua, hàng ăn sáng chay tại ngôi nhà nhỏ ở số 44 Đinh Bộ Lĩnh của bà luôn tấp nập khách đến ủng hộ. Phần vì món ăn vừa miệng, bình dân, lại sạch sẽ; phần vì yêu mến bà chủ nhẹ nhàng, hay tươi cười với khách.
Là “khách ruột” của bà Đức, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (58 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) tấm tắc: “Ban đầu tôi đến vì chất lượng món ăn; sau thì cảm phục tinh thần lạc quan của chị Đức khi tự lao động để có chi phí sinh hoạt, chữa bệnh cho chồng và bản thân chứ không ỷ lại vào con cái. Tôi từng chứng kiến cảnh nhà hảo tâm ngỏ ý tặng quà, nhưng chị xua tay không nhận vì “có người còn khổ hơn, không có sức khỏe hay cái nghề như tôi””.
Ngoài trách nhiệm, tâm lý “sợ trở thành gánh nặng cho con cái” cũng là một nguyên nhân để nhiều người lớn tuổi dù không còn khỏe mạnh nhưng vẫn chọn lao động theo sức của mình, tự kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Dù tuổi cao nhưng ông Dũng vẫn gắn bó với công việc bảo vệ. Ảnh: D.N
Tự hào vì đồng lương từ nghề bảo vệ gần 30 năm qua đã giúp mình nuôi nấng người con đặt chân vào giảng đường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Trần Quốc Dũng (69 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) xua tay khi con cái khuyên nghỉ hưu, ở nhà dưỡng sức. Với ông, công việc này không hề khiên cưỡng, mà còn mang lại niềm vui cho tuổi già.
“Tôi làm bảo vệ, vợ tôi bán xiên que dạo, tuy vất vả nhưng vui vì vừa kiếm được tiền, vừa trò chuyện với những người cùng thế hệ! Với chúng tôi, lao động là niềm vui và con cái học giỏi, hiếu thuận là động lực lớn nhất…”, ông Dũng tâm sự.
DIỆU NGỌC