Nguyên nhân và cách phòng ngừa rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra một trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… gây khó chịu. Bệnh rất hay tái phát, từ đó làm ảnh hưởng lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tiền đình là do áp lực công việc nặng nề, thói quen cuộc sống hằng ngày không lành mạnh, ngồi nhiều giờ trước máy tính, lười vận động, tổn thương não bộ, ngủ không đủ giấc, căng thẳng… Người già do một số cơ quan bị suy giảm nên thường có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn những người trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), cho biết: “Triệu chứng rối loạn tiền đình biểu hiện ban đầu là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Lâu ngày nếu không có phương pháp điều trị kịp thời và phù hợp thì bệnh sẽ nặng hơn, có thể khiến người bệnh buồn nôn, suy giảm thị giác, huyết áp tăng cao và thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ. Bởi vậy, cần phát hiện sớm và điều trị với phương pháp phù hợp để làm giảm tình trạng triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình cũng như trị tận gốc căn bệnh này. Tùy theo nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, người bệnh sẽ chọn được hướng điều trị thích hợp”.
Để điều trị hiệu quả bệnh nhân cần tuân thủ biện pháp điều trị như dùng thuốc, vật lý trị liệu, tập luyện… Không tự ý sử dụng đơn thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định; xác định điều trị rối loạn tiền đình cần điều trị kiên trì và lâu dài; thời gian điều trị chia làm nhiều giai đoạn cấp, duy trì, tập luyện, tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
Để phòng ngừa, cách tốt nhất là thường xuyên tập TDTT với tần suất, cường độ phù hợp với thể chất, thể trạng. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước, ăn nhiều rau xanh. Khi đã mắc hội chứng rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt…
Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống theo mách bảo, theo đơn thuốc cũ vì ngoài rối loạn, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch máu não, u não, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng. Đồng thời, người cao tuổi khi thấy xuất hiện triệu chứng chóng mặt, xây xẩm thì nên đưa đến cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)