Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2024
Sáng nay 5.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2024. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành thành viên Chính phủ, Quốc hội, một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Phát biểu mở đầu phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ: "Chúng ta đi qua tháng 7 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, kiên trung, có uy tín lớn, trọn đời bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta". Các thành viên Chính phủ đã dành một phút tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các thành viên Chính phủ dành một phút tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thủ tướng cho biết, ngày 3.8, Trung ương đã thống nhất bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với tỷ lệ tuyệt đối 100%.
Về một số điểm nổi bật của tháng 7 và 7 tháng năm 2024, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới có những dấu hiệu tích cực: Nhiều tổ chức quốc tế nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm; Nhiều ngân hàng trung ương tiến hành cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3 điểm đáng lưu ý là Biến động chính trị; cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang; Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc với giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; lạm phát chưa về mức mục tiêu tại nhiều quốc gia; FED chưa cắt giảm lãi suất; Biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh tác động nặng nề; đặc biệt, thế giới đã trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong tháng 7.
Về tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết, chúng ta triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.
Tình hình KT-XH tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là công tác chỉ đạo điều hành về cơ bản có kinh nghiệm hơn, chủ động, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn hơn; Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ; An sinh xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tốt; Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá; Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao; Vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; An ninh, trật tự tiềm ẩn rủi ro; Kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh trách nhiệm…
Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp này nhằm đánh giá kỹ lưỡng tình hình triển khai các nhiệm vụ trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024; xác định rõ những việc đã làm được, những việc gì còn tồn tại, cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm trong tháng 8 và thời gian tới. Theo đó Thủ tướng đề nghị các đại biểu xác định rõ đâu là những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm? Những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả trong thực tiễn là gì?
Đánh giá, nhận định về tình hình tháng 8 và thời gian tới thế nào? Cần những cơ chế, chính sách giải pháp gì? Tập trung vào lĩnh vực nào? Ai làm? Làm cụ thể những gì? Bao giờ hoàn thành? Kết quả hướng tới là gì? Công tác chuẩn bị phục vụ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV thế nào?
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 7 đạt kết quả cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt: tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5% ; Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%; 7 tháng tăng 8,7%.
Quang cảnh phiên họp
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng 6; bình quân 7 tháng tăng 4,12%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định; An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,27 tỷ USD, tăng lần lượt 5,8% và 25,1%);
Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 tăng 8,7% so với tháng 6 và tăng 21,8% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 17,1%, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước; cán cân thương mại tháng 7 xuất siêu 2,12 tỷ USD; tính chung 7 tháng xuất siêu 14,08 tỷ USD.
Tổng ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch: Khách quốc tế tháng 7 đạt gần 1,15 triệu lượt; tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch Covid-19.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024; đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,3%; HSBC nâng lên 6,5%, ADB nâng lên 6%.
Theo Vũ Khuyên (VOV)