Vì sao năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á?
Liệu có phải do trình độ của hàng triệu lao động vẫn ở mức thấp, cộng với năng lực cán bộ công chức còn hạn chế…
Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm.
Cũng theo báo cáo của ILO, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và không có đủ kỷ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore đến 15 lần và tốc độ tăng năng suất lao động Việt đang giảm dần.
Nói đến năng suất lao động không phải chỉ nói đến lực lượng công nhân, lao động tham gia sản xuất trực tiếp tại các nhà máy, công ty… mà còn bao gồm cả lĩnh vực hành chính, xây dựng chính sách của quốc gia.
Lao động thủ công, tay nghề thấp
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động – việc làm, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn lao động khoảng 54,87 triệu người và hàng năm có khoảng trên 1 triệu người tham gia vào thị trường lao động. Tuy lực lượng lao động trẻ và dồi dào như vậy, nhưng nhìn vào thực trạng lao động Việt Nam hiện nay cho thấy còn rất nhiều bất cập cần giải quyết. Lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, năng suất lao động thấp, ngành nghề đào tạo không phù hợp với thị trường, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu. Trong khi nguồn lao động ở nông thôn dư thừa thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung, cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng.
“Hàng năm, ngân sách nhà nước bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để đào tạo nghề, nhưng tình trạng lao động thất nghiệp không tìm được việc làm và tỷ lệ lao động thủ công, gia công đơn giản và khi vào các doanh nghiệp thì hầu như phải đào tạo lại” - bà Trần Thị Hiền (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) nêu nhận xét.
Điều này được minh chứng ngay tại KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Khi Samsung – một DN có qui mô đầu tư lớn nhất tại KCN này tuyển dụng lao động thì hầu như chỉ tuyển các em học hết trung học phổ thông và DN đào tạo từ đầu. Dù ứng viên tốt nghiệp đại học hay cao đẳng thì khi được tuyển dụng DN cũng vẫn phải đào tạo lại.
Anh Nguyễn Minh Tuấn – tốt nghiệp cao đẳng, ngành điện, được tuyển dụng vào làm việc cho một DN ở KCN Yên Phong, cho biết, khi được tuyển dụng, Công ty yêu cầu công nhân phải theo khóa hướng nghiệp 2 tháng rồi sau đó đứng vào dây chuyền sản xuất. Những kiến thức chúng em học được ở trường cao đẳng không giúp ích gì khi vào đây.
Một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là người lao động sau khi học nghề phải được sống bằng nghề đã được học. Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực tế không đơn giản, vì rất nhiều người phải làm việc ở những lĩnh vực mình không được đào tạo. Anh Bình – lái xe của hãng taxi Thanh Nga cho biết: Thời gian tôi học nghề tốn kém hơn cả học đại học. Mất 5 năm học nghề, sau đó xin vào làm việc cho Công ty cơ khí Thăng Long. Tuy nhiên, với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng (thời điểm 2005), tôi không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên tôi đã bỏ nhà máy để tìm việc khác. Khi ấy tôi đã là thợ bậc 3/7.
Theo Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), cơ cấu nhân lực cho doanh nghiệp sản xuất cần khoảng 50% lao động phổ thông, 35% trình độ sơ cấp trở lên và 15% còn lại là tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, trong đào tạo hiện nay chúng ta tập trung cho đào tạo đại học là chủ yếu. “80% số học sinh tốt nghiệp PTTH vào đại học nên tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp đông và làm trái ngành, trái nghề là điều dễ hiểu” – ông Lân nói.
Hành chính công không hiệu quả
Một trong những bất cập trong thị trường lao động hiện nay là mất cân bằng giữa cung và cầu. Càng trình độ cao thì càng thất nghiệp nhiều, càng ít cơ hội tiếp cận việc làm.
Theo thống kê do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục thống kê công bố, trong quý IV năm 2013 cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Sở dĩ có sự tồn kho cử nhân, thạc sĩ lớn như vậy, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là công tác phân luồng đào tạo nhằm định hướng cho học sinh về nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường còn hạn chế.
Cùng với đó, hậu quả của việc “mạnh ai người ấy đào tạo” đã thấy rõ. Nhiều sinh viên ra trường phải làm trái ngành, trái nghề, không có chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động của mình. Theo khảo sát của công ty tư vấn nhân lực Manpower, tại Canon Việt Nam có hàng nghìn công nhân đã tốt nghiệp đại học. Nhiều người vẫn chỉ khai nhận đã tốt nghiệp phổ thông để tránh bị dị nghị.
Đã có một thời gian, dư luận “dậy sóng” về con số 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhiều người cho rằng con số này thực tế nhiều hơn thế!?. Chưa có cơ quan, tổ chức nào đứng ra làm khảo sát chính thức về thực trạng này. Nhưng, thực tế là các vị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã thực sự sốt ruột về việc nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ. Cán bộ năng lực kém, không làm được việc lại nhũng nhiễu DN và người dân khiến cả hệ thống tắc nghẽn ở nhiều khâu. Chỉ riêng lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng đã phải dành nhiều thời gian để làm việc với lãnh đạo hai ngành này và yêu cầu phải giảm mạnh thời gian làm thủ tục hành chính thuế và hải quan xuống hàng trăm giờ ngay trong năm 2014 này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tuần trước, đã yêu cầu Bộ Nội vụ có giải pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; kiên quyết loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh như uống rượu, bia làm ảnh hưởng tới công việc; hút thuốc lá không đúng nơi quy định; trang phục không phù hợp với môi trường làm việc; thiếu văn hóa trong giao tiếp với người dân và đồng nghiệp.
Theo An Nhi (VOV)