Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi: Ðảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người chăn nuôi
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tích cực xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thả đồi, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người chăn nuôi.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, hai năm gần đây, Trung tâm tích cực xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Ân Đức và Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) với quy mô 10.000 con gà/năm. Kết quả cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi đại trà tại địa phương khoảng 10%.
Một hộ dân nuôi gà thả đồi tại xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân). Ảnh: A.N
Chia sẻ thông tin liên quan vấn đề này, ông Thái Thành Việt, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, cho hay: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, từ năm 2023, HTX ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi với người chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại HTX bao tiêu được khoảng 21 tấn gà thịt, với giá cao hơn ngoài thị trường 5.000 đồng/kg. Tới đây, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực tiêu thụ, tiếp tục đồng hành liên kết với người nuôi gà, góp phần tạo thu nhập tốt cho bà con.
Tháng 7.2024, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ, kết nối để Công ty CP Đầu tư và Xây dựng CP (TP Quy Nhơn) và 9 hộ chăn nuôi gà thả đồi ở các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Mỹ, TX Hoài Nhơn ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ trong 2 năm 2024 và 2025. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty sẽ thu mua khoảng 80.000 con gà/năm với giá 100 nghìn đồng/kg.
Ông Vũ Tiến Lực, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm gà với giá hợp lý, đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế khá, tôi rất yên tâm tập trung đầu tư chăn nuôi gà theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, để có sản phẩm tốt. Theo hợp đồng ký kết, trong năm 2024, tôi sẽ thả nuôi 6.000 con, sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi, khi gà đạt trọng lượng 1,5 - 1,8 kg/con thì tiến hành giao cho công ty.
Để xây dựng được chuỗi liên kết này, Trung tâm Khuyến nông cùng Công ty CP Đầu tư và xây dựng CP đã tiến hành khảo sát điều kiện cơ sở vật chất chăn nuôi gà của các hộ dân trong tỉnh. Qua đó, cùng các hộ chăn nuôi giải quyết các khó khăn, vướng mắc về điều kiện chăn nuôi, thống nhất mức giá bao tiêu hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia trong chuỗi liên kết.
Ông Võ Vinh Ca, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng CP, chia sẻ: Nhu cầu của thị trường về sản phẩm gà đặc sản ngày càng cao, ước tính sơ bộ chúng tôi có thể bán khoảng 100 nghìn con/năm. Hiện tại trang trại nuôi gà hữu cơ Ca Organic Farm của công ty chúng tôi chỉ đáp ứng cho thị trường khoảng 20.000 con/năm. Do đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, ký hợp đồng tiêu thụ gà đặc sản với các hộ chăn nuôi với số lượng 80.000 con/năm.
Thực tế cho thấy, nhờ chuyển biến trong nhận thức của các hộ chăn nuôi về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi gà đã cải thiện tích cực. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái và thị trường. Do vậy, việc xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giúp cho các hộ chăn nuôi thêm yên tâm, tập trung vào phát triển chăn nuôi.
THÀNH NGUYÊN