Vốn vay giải quyết việc làm: “Đòn bẩy” giúp người nghèo vượt khó
Những năm qua, các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn này, nhiều lao động đã có nguồn lực mở rộng sản xuất, tạo việc làm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.
“Trợ lực” phát triển kinh tế
Những năm trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Đinh Văn Lực (44 tuổi, dân tộc Bana, ở thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão) chỉ trông chờ vào vài sào ruộng trồng lúa, bắp do bố mẹ chia. Cố gắng làm cũng chỉ đủ ăn, nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám lấy gia đình. Năm 2020, nắm được thông tin gia đình thuộc đối tượng được vay vốn giải quyết việc làm (GQVL), gia đình ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng, mua 3 con trâu giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn trâu sinh trưởng tốt, chỉ sau một thời gian ngắn đã sinh sản được 3 nghé con, bán thu về trên 60 triệu đồng.
Từ số tiền lãi bán trâu, năm 2022, ông Lực tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mua thêm 3 con bò cái, 5 con heo đen sinh sản và giống cây trồng. Chỉ sau 2 năm đầu tư phát triển các mô hình, hiện gia đình ông có 12 con trâu nái, 15 con bò, gần 30 con heo đen sinh sản và 1 ha mì cao sản, mang lại nguồn thu ổn định hơn 80 triệu đồng/năm, vươn lên thành hộ khá của xã.
“Nhờ vay vốn GQVL với lãi suất ưu đãi, thời gian vay lại hợp lý, nên giờ đây kinh tế gia đình tôi cũng đã dần ổn định, có nguồn thu nhập đáng kể. Từ căn nhà tạm bợ, nay tôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi nghe nhìn, các con được đến trường học tập tốt”, ông Lực nói.
Tương tự, với gia đình bà Lê Thị Hiền (47 tuổi, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện chính là đòn bẩy rất quan trọng, giúp bà có điều kiện tiếp tục duy trì, phát triển cơ sở may gia công của gia đình. Tháng 4.2024, được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay GQVL, bà đã mở rộng quy mô sản xuất lên 11 máy may, với sản lượng may bình quân đạt từ 6.000 - 7.000 sản phẩm/tháng; giúp 11 chị em trong thôn có việc làm, với thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Đinh Văn Lực (xã An Toàn, huyện An Lão) phát triển chăn nuôi hiệu quả, thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Ảnh: D.Đ
Luôn đáp ứng khi người dân có nhu cầu
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với hộ sản xuất, kinh doanh khó khăn, cần vốn để “trợ lực” vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị A Nương, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Thủ Thiện Hạ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), đến nay, tổng dư nợ vốn GQVL của Tổ đạt trên 3 tỷ đồng/58 hộ vay. Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, khi các hộ có nhu cầu vay, Tổ sẽ phối hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách xã tiến hành kiểm tra, đánh giá tổng thể mô hình, nếu có tính khả thi thì giải ngân vốn.
“Sau khi nguồn vốn đến tay người dân, Tổ vay vốn còn thường xuyên phối hợp với Ban quản lý thôn, các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình các hộ sử dụng vốn vay. 100% các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều mô hình kinh tế đã cho hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định”, bà Nương nói.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Lão Lê Văn Quy thông tin, xác định vốn vay GQVL là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, giai đoạn năm 2020 đến nay, phòng và các điểm giao dịch đã triển khai kịp thời, giải ngân nhanh vốn, đúng đối tượng. Hiện, tổng dư nợ vốn vay GQVL của huyện đạt trên 88,2 tỷ đồng, với 1.269 người vay. Nhiều lao động đã tự đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh… tạo thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2023, các địa phương trong huyện đã giảm được 1.270 hộ nghèo, cận nghèo trên tổng số 3.381 hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, từ năm 2020 đến nay, tổng doanh số cho vay chương trình GQVL trên địa bàn tỉnh là hơn 2.916 tỷ đồng cho 59.300 dự án vay vốn đầu tư sản xuất. Thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo cho các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn GQVL giúp người dân biết quy trình vay vốn, đăng ký tham gia khi có nhu cầu.
DUY ĐĂNG