Tọa đàm khoa học khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái
(BĐ) - Sáng 9.8, tại nhà văn hóa xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), UBND TX An Nhơn phối hợp Hội VHNT tỉnh tổ chức Tọa đàm khoa học khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) với hơn 50 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, các ban, ngành TX An Nhơn; Đảng ủy, UBND xã Nhơn Phúc và các cụ cao niên ở địa phương tham gia.
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa thảo luận, phân tích xung quanh các yếu tố liên quan đến hướng khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái, tính cộng đồng trong Lễ hội đổ giàn An Thái, yếu tố Phật giáo trong Lễ hội đổ giàn An Thái, vùng đất An Nhơn từ võ cổ truyền đến Lễ hội đổ giàn An Thái, những đặc trưng và xu hướng biến đổi không gian văn hóa Lễ hội đổ giàn An Thái… gắn với địa văn hóa vùng đất Nhơn Phúc. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến trao đổi làm rõ thêm tên gọi bún Song Thằng hay Song Thần, Song Thằn (một đặc sản của Nhơn Phúc); phục dựng lễ hội mang tính nhân văn, thượng võ phù hợp với đời sống hiện nay, gắn với kiểm kê di sản, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di sản phi vật thể quốc gia…Việc khôi phục Lễ hội đổ giàn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hướng tới phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương.
Ngũ bang hội quán ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc là nơi tổ chức Lễ hội đổ giàn ngày xưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dịp này, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã trao UBND xã Nhơn Phúc các bản sao chụp sắc phong tại chùa An Hòa (còn gọi là chùa Bà, Thiên Hậu từ, An Hòa hội quán) ở thôn An Thái.
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tặng UBND xã Nhơn Phúc các bản sao chụp sắc phong tại chùa An Hòa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo các nhà nghiên cứu, Lễ hội đổ giàn đã có từ rất lâu, ít nhất khoảng giữa thế kỷ XVIII liên quan đến Ngũ bang hội quán - vốn là miếu thờ Tiêu Diện đại sĩ (dân gian gọi là ông Tiêu) gắn với tín ngưỡng thờ Tiêu Diện đại sĩ và nghi lễ cúng cầu siêu vong linh, cô hồn vào tháng 7 âm lịch của người Hoa sinh sống ở Nhơn Phúc ngày xưa. Đến thời Tây sơn, tinh thần thượng võ phát huy trong Lễ hội đổ giàn thể hiện qua nghi thức xô cổ, đổ giàn giật lấy cờ phướn và đầu heo. Lễ hội đổ giàn tổ chức định kỳ 4 năm/lần tại Ngũ bang hội quán vào trung tuần tháng 7 các năm Tỵ, Dậu, Sửu.
Từ những năm 1945 trở về sau, Lễ hội đổ giàn không đủ điều kiện tổ chức và dần trở nên mai một. Đến năm 2005, Sở VH-TT (nay là Sở VH&TT) gợi ý địa phương tiến hành tái hiện Lễ hội đổ giàn từ ngày 14 - 16.7 âm lịch với những nghi lễ: Rước nước, rước cỗ, rước Phật, rước hương, chưng cộ đất, rước đèn múa lân, cầu an, cầu siêu, đổ giàn… Sau lần tái hiện đến nay, lễ hội này chưa được duy trì thực hiện.
NGỌC NHUẬN