Làm giàu nhờ nghề ươm cây giống
Chị Võ Thị Thu Nhi (SN 1991, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) là một trong những điển hình phụ nữ phát triển kinh tế gia đình ở xã Cát Trinh. 4 năm trước, nhận thấy nhu cầu về giống cây keo lai tại các địa phương ngày càng nhiều, gia đình chị bắt đầu phát triển nghề này với 1,2 ha.
Mạnh dạn ứng dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất, cây giống của gia đình chị Nhi sản xuất đảm bảo chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Đến nay, mỗi năm vườn ươm của chị cung cấp ra thị trường hơn 2 triệu cây giống, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng.
Chị Võ Thị Thu Nhi làm việc tại vườn ươm cây giống của mình. Ảnh: Hội LHPN xã Cát Trinh
Theo chị Nhi, để cây giống đạt chất lượng, tạo niềm tin cho khách hàng, khâu chọn giống và quy trình kỹ thuật trong khi ươm phải đảm bảo khoa học. Đầu tiên giống phải khỏe mới có thể kháng sâu bệnh. Trong vườn ươm lắp đặt ống dẫn nước, hệ thống tưới nước tự động để cấp đủ nước cho cây. Vườn ươm phải được giữ ẩm vừa phải, không quá khô nhưng cũng không quá ẩm ướt thừa nước.
“Việc ươm cây giống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, từ lượng nước tưới đến cách cắt hom, số mắt lá đều phải được tính toán cẩn thận. Việc phòng trừ sâu bệnh cho cây giống cũng cần hết sức lưu ý”, chị Nhi chia sẻ.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, vườn ươm của chị Võ Thị Thu Nhi còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 phụ nữ tại địa phương, làm một số công việc như giâm hom, cắt cành, cắm cành... nên không quá nặng nhọc, vừa phù hợp với sức khỏe vừa tạo thêm thu nhập cho phụ nữ lớn tuổi, với tiền công 200 nghìn đồng/ngày.
Theo Hội LHPN xã Cát Trinh, chị Võ Thị Thu Nhi là một trong những điển hình phụ nữ có tinh thần cần cù, chịu khó. Ngoài ra, chị còn nhiệt tình đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện của địa phương như ủng hộ tổ chức tết Trung thu cho trẻ em; tặng quà cho người nghèo; chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình cho các chị em khác tại địa phương.
THẢO YÊN