Khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản: Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị đánh giá việc ứng dụng các bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo kiểu Nhật Bản của các ngư dân tham gia mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi, đồng thời bàn giải pháp nâng cao chất lượng loại sản phẩm này.
Do ngư dân chưa sử dụng thuần thục các bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản, nên chất lượng sản phẩm chưa được như mong muốn.
- Trong ảnh: Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản đánh giá, lựa chọn những con cá ngừ đảm bảo chất lượng để đưa sang Nhật Bản bán đấu giá. Ảnh: TIẾN SỸ
Kết quả chưa như mong đợi
Sau khi được tỉnh hỗ trợ các bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm CNĐD, 5 chủ tàu cá ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) tham gia mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi đã mở 2 chuyến biển khai thác CNĐD. Chuyến biển đầu tiên (thực hiện trong tháng 7), ngư dân khai thác được 37 con cá ngừ, trong đó có 10 con chất lượng khá tốt được lựa chọn bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá cá ngừ OSAKA (Nhật Bản) với giá bình quân 249,46 ngàn đồng/kg. Chuyến biển thứ 2 (từ ngày 12.8 đến ngày 4.9), ngư dân khai thác được 57 con CNĐD, trong đó chỉ có 4 con đạt chất lượng xuất khẩu được Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) thu mua với giá 108 ngàn đồng/kg.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, số lượng CNĐD ngư dân khai thác được chưa nhiều, chất lượng sản phẩm của số cá được xuất sang thị trường Nhật Bản cũng không đồng đều. Trong số 10 con được bán đấu giá, có con được bán với giá 437,18 ngàn đồng/kg, nhưng cũng có con chỉ bán được với giá hơn 52.000 đồng/ kg. Nguyên nhân một phần là do thời điểm ngư dân mở biển khai thác CNĐD gió Nam mạnh, nước biển có nhiệt độ cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm CNĐD. Mặt khác, phần lớn bà con ngư dân chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
Qua thực tế 2 chuyến biển cho thấy, ngư dân tham gia mô hình chưa sử dụng thuần thục bộ thiết bị, công nghệ câu CNĐD của Nhật Bản và cũng chưa áp dụng tốt quy trình xử lý, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề tồn tại ngoài kỹ thuật. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, cho rằng: Tổ trưởng mô hình chưa làm hết trách nhiệm nên việc liên kết giữa các chủ tàu cá tham gia mô hình chưa chặt chẽ và cũng không thống nhất. Doanh nghiệp liên hệ với ngư dân để bàn bạc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Có một chủ tàu cá không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, đã bán sản phẩm cho một doanh nghiệp khác.
Củng cố mô hình cũ, phát triển mô hình mới
Tại hội nghị nói trên, sau khi cung cấp hình ảnh và phân tích nguyên nhân, hạn chế của ngư dân trong quá trình áp dụng các bộ thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, nhằm giúp ngư dân khắc phục hạn chế trong quá trình ứng dụng vào thực tế, đồng thời hỗ trợ ngư dân cải tạo lại hầm bảo quản sản phẩm.
Cũng theo ông Trần Văn Vinh, cần thành lập thêm nhiều mô hình ứng dụng thiết bị và công nghệ câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản để đối chứng, so sánh và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các ngư dân tham gia các mô hình, qua đó tăng sản lượng cá ngừ đạt chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. UBND huyện Hoài Nhơn kiểm tra lại việc chỉ đạo, điều hành của tổ trưởng mô hình hiện nay. BIDIFISCO cũng cần tăng giá thu mua sản phẩm, nhằm khuyến khích ngư dân và thường xuyên liên lạc với Công ty KATO OFFICE (Nhật Bản) để thông báo kế hoạch thực hiện và hành động của đơn vị mình trong việc cải thiện chất lượng cá ngừ và vấn đề xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.
Bà Cao Thị Kim Lan cam kết BIDIFISCO tiếp tục mua sản phẩm CNĐD đảm bảo chất lượng của ngư dân cao hơn 20% so với giá thị trường tại thời điểm, và sẽ thưởng thêm cho ngư dân nếu cá ngừ đạt chất lượng cao. Công ty cũng sẽ cung cấp nước đá cao cấp và cho ngư dân ứng trước tiền để làm thùng xốp bảo quản cá, nếu ngư dân có nhu cầu. Còn ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng cùng chính quyền địa phương làm việc với các chủ tàu tham gia mô hình và củng cố lại tổ chức để duy trì mô hình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc khẳng định: Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng CNĐD xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là hướng đi đúng cần phải quyết tâm thực hiện cho bằng được. Để làm được điều đó, trong tháng 9 này, Sở NN-PTNT phải xây dựng xong đề án đánh bắt CNĐD để trình UBND tỉnh xem xét. Bên cạnh việc củng cố mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ CNĐD theo chuỗi tại huyện Hoài Nhơn, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng thêm 4 mô hình khác tại huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, mỗi tổ khoảng 5 chủ tàu, chọn những ngư dân có tâm huyết, tự nguyện tham gia mô hình. Ngư dân tham gia các mô hình sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng tàu mới và mua các trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ... theo tinh thần Nghị quyết 67 của Chính phủ, tỉnh sẽ đứng ra bảo lãnh nguồn vốn vay.
UBND tỉnh sẽ nhập thêm các bộ thiết bị câu CNĐD của Nhật Bản, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân. BIDIFISCO cần công bố công khai giá mua sản phẩm CNĐD từng loại và có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó, công ty phải cử cán bộ đi đào tạo, học tập phương cách đánh giá chất lượng sản phẩm để đánh giá chính xác, không để ngư dân bị thiệt.
PHẠM TIẾN SỸ