Trung Quốc toan tính gì khi điều tàu chiến đến vùng biển xa?
Các tàu chiến Trung Quốc gần đây xuất hiện gần quần đảo Aleutian, ngoài khơi bờ biển Alaska (Mỹ), trong khi các tàu hải quân của nước này cũng được phát hiện thường xuyên neo đậu tại quân cảng ở Campuchia. Những động thái này của Bắc Kinh có thể là dấu hiệu cho những thay đổi quan trọng về địa chính trị.
Để hiểu về vấn đề địa chính trị của sức mạnh trên biển, trước hết cần biết 2 thuật ngữ “vùng biển gần” và “vùng biển xa”. Vùng biển gần là khu vực gần bờ biển của một quốc gia mà được xem là quan trọng trong việc phòng thủ của quốc gia đó, còn vùng biển xa là nơi ở bên kia đại dương mà một quốc gia muốn hiện diện vì các lợi ích chiến lược và kinh tế.
Tuy nhiên, vùng biển xa của nước này lại là vùng biển gần của nước khác và điều này dẫn đến căng thẳng. Chẳng hạn, khu vực Tây Thái Bình Dương là vùng biển gần của Trung Quốc và vùng biển xa của Mỹ. Ở phạm vi phức tạp hơn, hai hoặc nhiều nước có thể tranh giành ảnh hưởng trong cùng một vùng biển gần.
Một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc.
Cạnh tranh đối với các vùng biển gần và xa thay đổi theo thời gian. Đối với Mỹ, vùng biển gần là khu vực chiến lược và không cố định, chứ không phải khu vực theo định nghĩa về mặt pháp lý. Mỹ giành quyền kiểm soát vùng biển gần trong những năm 1800 và nửa đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn đầu của Thế chiến 2, dưới thỏa thuận đổi tàu khu trục lấy căn cứ, quân đội Anh chuyển giao các căn cứ ở Caribe và Newfoundland cho Mỹ để đổi lấy các tàu chiến cũ còn hoạt động. Sau đó, Washington mở rộng ảnh hưởng đến vùng biển xa ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Với vị thế là cường quốc kinh tế, Trung Quốc hiện xem việc kiểm soát vùng biển gần và hiện diện ở vùng biển xa giúp đối trọng với Mỹ. Nước này phát triển rất nhanh số lượng tàu chiến. Trong hơn 15 năm qua, Bắc Kinh đóng 131 tàu có thể hoạt động ở các vùng biển xa, còn 144 tàu được thiết kế cho các hoạt động ở vùng biển gần. Tính đến năm 2021, Trung Quốc biên chế 2 tàu sân bay, 36 tàu khu trục, 30 khinh hạm và 9 tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn. Mặc dù con số này không là gì so với số tàu chiến tương tự của Mỹ, nhưng lại nhiều hơn hạm đội tàu chiến của các nước khác. Điều này cho thấy Trung Quốc đang hướng đến việc trở thành một thế lực ở vùng biển xa.
Tuy nhiên, thống trị trên mặt biển không chỉ dựa vào hoạt động đóng tàu. Kế hoạch của Trung Quốc còn là “xây đảo” nhằm thiết lập sự hiện diện ở vùng biển gần các nước châu Á. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng được cho là dùng sức mạnh kinh tế để lôi kéo những nước này khỏi sự hỗ trợ của hải quân Hoa Kỳ. Căn cứ quân sự Ream ở Campuchia là 1 ví dụ. Nơi này từng là địa điểm tập trận hải quân của Mỹ và Campuchia và nằm trong thỏa thuận cải tạo với Mỹ, nhưng Campuchia bất ngờ rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2020. Sau đó, Bắc Kinh tài trợ cho các hoạt động nâng cấp căn cứ này và hải quân Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở đây trong năm nay. Điều này được cho là nhằm giúp nước này bảo vệ vùng biển gần, đồng thời cũng tăng cường năng lực để hướng đến kiểm soát vùng biển xa.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Bắc Kinh đang tìm cách tranh giành quyền lực và gây ảnh hưởng đến các đảo quốc ở Thái Bình Dương, như thỏa thuận với Quần đảo Solomon về đưa hải quân đến nơi này. Mặc dù Washington cũng bắt đầu hành động để vượt mặt Bắc Kinh ở khu vực này, nhưng vấn đề địa chính trị của quyền lực trên biển là một quá trình, chứ không chỉ là hoạt động nhất thời. Vậy nên, sự thay đổi của cán cân quyền lực biển phải được theo dõi qua sự hiện diện của hải quân sau vài năm. Đó là lý do tại sao việc tàu chiến Trung Quốc tiến gần Alaska là một động thái đáng chú ý. Điều này đánh dấu giai đoạn mới trong cạnh tranh về quyền lực trên biển giữa 2 nước.
Sự cạnh tranh này không đồng nghĩa với việc chắc chắn xảy ra chiến tranh, nhưng sự hiếu chiến của bất kỳ bên nào trong trường hợp bảo vệ vùng biển gần hay xa có thể gây ra tình huống nguy hiểm.
LÊ QUẢNG (theo The Conversation)