Hát bội không chuyên chung tay gìn giữ di sản
Liên hoan sân khấu tuồng (hát bội) không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 diễn ra từ ngày 4 - 6.8 đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Đây là sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa, tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân hát bội không chuyên gìn giữ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát bội Bình Định.
Liên hoan thu hút hơn 100 nghệ nhân, nhạc công đến từ 9 đoàn nghệ thuật hát bội trong tỉnh, gồm: Nhơn Hưng, Sao Mai, An Nhơn, Phước An, Trần Quang Diệu, Sông Kôn, An Nhơn 2, Ngô Mây, Hoài Nhơn, tham gia dự thi 25 trích đoạn hát bội về đề tài truyền thống, lịch sử.
Ấn tượng từ Liên hoan
Bên cạnh lớp nghệ nhân thành danh, điểm rất đáng chú ý tại liên hoan lần này là sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ nhân trẻ diễn tốt hát ngọt, khiến người mộ tuồng khá phấn khởi.
Đạt giải nhất cá nhân (hạng mục vai diễn) vai diễn Nguyệt Cô trong trích đoạn Nguyệt Cô hóa cáo (vở Cổ miếu vãn ca của Nguyễn Diêu), nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (34 tuổi), diễn viên Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng, xúc động chia sẻ: “Đây là vai diễn khó trong một vở tuồng thuộc hàng kinh điển. Tôi đã dốc sức tập luyện ròng rã cả tháng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Hoàng Việt để nhập vai. Đạt giải cao tại Liên hoan là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu theo đuổi đam mê trên bước đường nghệ thuật hát bội”.
Diễn viên “nhí” Võ Thị Hương của Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây cũng tạo được chú ý khá lớn dù chỉ nhận vai quân lính. Cô bé 12 tuổi chia sẻ: “Nghỉ hè con đi theo xem chị tập luyện tham gia Liên hoan. Con cũng thích hát bội, nên cô Hoàng Kiều (Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kiều - Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Ngô Mây - PV) dạy con vài động tác, câu nói lối vai quân lính báo tin, dâng rượu, cầm cương ngựa… phụ diễn trên sân khấu. Con thấy vui khi được hóa trang, mặc trang phục hát bội”.
Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng đạt giải nhất trích đoạn Tiết Đinh San loạn phòng (vở tuồng Đường Chinh Tây). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Thị Kim Chung, diễn viên của Đoàn nghệ thuật hát bội Trần Quang Diệu, chia sẻ: “Gần 10 năm rồi tỉnh mới tổ chức lại Liên hoan, nên nghệ nhân các đoàn rất phấn khởi, hăng hái tham gia. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm lớp trẻ để truyền nghề nhưng tại Liên hoan, tôi thấy một số đoàn có nghệ nhân trẻ tham gia biểu diễn, đây là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu hát bội”.
Liên hoan tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh - một vị trí rất đẹp. Anh Trần Niên, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho hay: “Tôi rất thích xem hát bội, nên thường đi xem khi có điều kiện. Dịp này, Liên hoan diễn ra ngay trung tâm thành phố, tôi được xem nhiều đoàn hát bội diễn trong 3 đêm. Đoàn nào diễn hay, tôi đều lên sân khấu thưởng tặng để động viên tinh thần cho các nghệ nhân”.
Trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ được nhiều đoàn dàn dựng dự thi tạo sự cuốn hút riêng của mỗi đoàn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Còn nhiều trăn trở…
Thành lập và hoạt động gần 6 năm, Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn lần đầu tiên tham gia Liên hoan gặt hái thành công với giải ba và khuyến khích (hạng mục trích đoạn) với hai trích đoạn dự thi: Ái Nương báo tin chia tay Trần Bình Trọng (vở tuồng lịch sử Trần Bình Trọng) và Lê Huê biệt mẹ thu phục Tiết Ứng Long (vở tuồng Đường Chinh Tây); hai diễn viên của Đoàn là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Bình và Bùi Thị Kim Oanh nhận giải khuyến khích cá nhân (hạng mục vai diễn).
Ông Nguyễn Xuân Huệ, Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn, chia sẻ: “TX Hoài Nhơn rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ Đoàn hoạt động, cũng như tham gia Liên hoan. Nhưng điều chúng tôi trăn trở nhất là chưa tìm được lớp trẻ để truyền dạy, tạo nguồn lực kế thừa hoạt động, bởi nghệ nhân của Đoàn dù rất nhiệt huyết nhưng đều đã lớn tuổi”.
Theo đánh giá chung của Ban giám khảo Liên hoan (gồm 4 NSND: Hòa Bình, Phương Thảo, Xuân Hợi, Minh Ngọc và NSƯT Đình Trương), lực lượng nghệ nhân thành danh dù cao tuổi nhưng diễn đầy nội lực, gần như không còn khoảng cách với diễn viên chuyên nghiệp; một số đoàn đã đào tạo được nghệ nhân trẻ kế cận. Tuy vậy, vẫn có một số tiết mục trình diễn dong dài, thiếu hấp dẫn, phá vỡ đường nét truyền thống; nhân vật thiếu tính kết nối, cảm xúc, chưa phù hợp với tính cách nhân vật; phục trang của diễn viên chưa phù hợp với đặc điểm và tính cách của nhân vật, một số nghệ nhân chưa thể hiện trọn vẹn phần thi; nhiều đoàn không có dàn nhạc đủ mạnh để hỗ trợ biểu diễn hiệu quả…
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT - Trưởng ban tổ chức Liên hoan, cho biết: Qua liên hoan lần này, các cơ quan quản lý, các đoàn nghệ thuật hát bội có dịp đánh giá thực trạng để có những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát bội. Tin rằng sau Liên hoan, mỗi người chúng ta sẽ mang theo những tình cảm mến thương đội ngũ nghệ nhân, sự đón nhận của khán giả dành cho nghệ thuật sân khấu truyền thống, để di sản hát bội Bình Định giữ sức sống trong dòng chảy văn hóa của dân tộc…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN