Phê bình thơ, dễ mà khó
Nhiều người nói với tôi, phê bình thơ nước ngoài không khó lắm, mình nhốt vào cái khung lý luận về thơ, rồi thêm mắm thêm muối, lại thêm đoạn đối chiếu với thơ Việt… cứ “mà” con mắt nhau thế cũng dễ ổn. Tây thì nó quan tâm gì đến ý kiến của mình đâu! Còn phê bình các tập thơ trong nước, khó hơn nhiều, vì để phê bình phải đọc từng bài thơ, cả tập thơ, cũng không bỏ qua những đoạn thơ hay, những gì cần phải nói thêm khi đọc trực tiếp tập thơ ấy. Viết cho hay, cho thuyết phục người đọc thơ Việt, lại không bị mắng là không biết cóc gì về thơ, bình bậy bạ thì thực không dễ.
Nhớ hồi năm 1970, khi lần đầu tiên Việt Phương công bố tập thơ Cửa Mở. Khi ấy, chẳng ai gọi Việt Phương là “nhà thơ” cả. Nhưng thơ ông thực sự gây chấn động trong người đọc. Tập thơ thật sự “mở ra” một cách làm thơ khác, thưởng thức thơ khác, có thể không mới với thế giới, nhưng rõ ràng mới với thơ miền Bắc Việt Nam. Nói cách khác nó là một vẻ đẹp khác.
Tôi nhớ, hồi ấy, nhà thơ Hoàng Trung Thông phê bình Cửa Mở rất nặng nề. Bài in gần hai trang báo Văn Nghệ, mang tính “chỉ đạo” khá rõ. Nhưng, đã xảy ra điều trái ngược, là bài phê bình ấy khiến người đọc thêm tò mò muốn có, muốn đọc tập thơ. Và tập thơ này đã được rất nhiều độc giả chép tay, rất nhiều cuốn sổ tay của lính ta khi vào chiến trường đã mang theo những bài thơ tâm đắc trong tập Cửa Mở. Tập thơ ấy đã nổi tiếng khắp miền Bắc vào năm 1970 mãi tới nhiều năm sau.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Lúc ấy, tôi vừa tốt nghiệp đại học, vào chiến trường, làm cho Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng rất say mê tập thơ Cửa Mở. Trước khi đi chiến trường Nam Bộ vào cuối năm 1970, tôi đã chép tay khá nhiều bài thơ, chủ yếu là thơ dịch, do các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam dịch, nhưng chưa được in. Chép tay những bài thơ hay chưa được in chỉ lan tỏa không chính thức là một niềm thích thú lớn với lớp trẻ mới tập làm thơ chúng tôi hồi ấy.
Có hai câu thơ thỉnh thoảng tôi nhẩm đọc: Nhà cha mẹ, ta sẽ về lợp lại/ Mùa thu này ta ngủ với trời xanh. Không nhớ thơ của ai. Lúc đầu cứ nghĩ là thơ Chế Lan Viên, nhưng tìm mãi trên mạng không thấy. Hóa ra, đó là hai câu thơ của Việt Phương, trong bài thơ Thành phố của ta như người đồng đội, bài thơ viết về Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, sáng tác tháng 9 năm 1967.
Đó là hai câu thơ làm đẹp thơ Việt Phương rất nhiều. Vâng, hai câu thơ có thể làm đẹp cho một nhà thơ. Hà Nội ngày ấy, bom đã rơi trên nhiều mái phố, nhà cha mẹ trốc mái nhưng người con trai lại phải ra trận. Hai câu thơ là lời hứa của người con trai, lời hứa có thể không bao giờ được thực hiện nếu người con trai hy sinh.
Thì ra, cái ám ảnh tôi từ hai câu thơ này là những gì ẩn giấu sau nó. Ngẫm ra, có thể rất đau lòng. Nhưng câu thơ thứ hai lại đầy chất giang hồ lãng tử, nó khiến ta như tạm quên điều đau buồn có thể xảy ra. “Mùa thu này ta ngủ với trời xanh” là câu thơ tuyệt bút, nó vừa chấp nhận vừa thách thức, mà thi ảnh lại lung linh thăm thẳm. Có lẽ chỉ vào đúng thời điểm ấy, khi Hà Nội phải căng mình trong tiếng còi báo động, khi nhiều sân thượng trong thành phố trở thành nơi đặt ụ súng phòng không của dân quân tự vệ, khi cái căng thẳng bên ngoài không làm nứt gãy cái thanh thản bên trong, Việt Phương mới có được hai câu thơ đó.
Nếu hai câu thơ có thể làm đẹp cho một nhà thơ, thì người phê bình thơ lại rất nên dè chừng, khi anh “lỡ” bỏ qua những câu thơ bình dị như vậy. Phê bình thơ, dễ mà khó cũng là thế!
THANH THẢO