Mỹ thuật Bình Định: Niềm vui chưa trọn
Mỹ thuật Bình Định những năm qua có những điểm nhấn nhất định trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại, với những cá tính sáng tạo, dấu ấn triển lãm, giải thưởng uy tín. Tuy nhiên, niềm vui như chưa trọn khi có sự vênh lệch giữa các lực lượng sáng tác.
1. Giữa tháng 7.2024, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã xét chọn 184 tác phẩm của 176 tác giả để trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024. Bình Định có 12 tác phẩm của 12 tác giả được chọn trưng bày tại Triển lãm lần này, trong đó có 7 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 5 tác giả là hội viên Chi hội Mỹ thuật Bình Định (Hội VHNT Bình Định).
Người thưởng lãm xem tranh tại khu vực trưng bày các tác phẩm của Bình Định tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây nguyên lần thứ 28 tại Đắk Lắk. Ảnh: N.P
Nhiều năm qua, những họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc nòng cốt như Lê Trọng Nghĩa, Lê Duy Hồng, Lê Duy Khanh, Nguyễn Chơn Hiền, Nguyễn Văn Cần, Trần Tuấn, Lê Thị Tuấn… vẫn sáng tác đều đặn. Năm nay, họa sĩ Nguyễn Văn Cần tiếp tục dự triển lãm khu vực với bức Nỗi nhớ Đà Lạt. Anh đã định hình mình với lối tranh theo trường phái ấn tượng. Anh tâm sự: “Đà Lạt thơ mộng với không gian chập chùng đồi dốc, với các hàng thông cao vút, với những mái nhà bảng lảng trong sương sớm huyền hoặc. Thế nhưng, dường như hiện nay với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nét xưa dần bị mất đi, phố bỗng chật hơn... Tôi nhớ Đà Lạt với nét ban đầu. Từ cảm xúc ấy, tôi chọn phong cách cũng loang chảy màu, điểm màu với chất liệu acrylic tổng hợp để gợi lên cái hồn cốt Đà Lạt trong dòng chảy của thời gian ẩn hiện... Tôi hay nặng lòng với những vẻ đẹp xưa bị phai mờ theo thời gian. Tôi cũng đang hoàn thiện hai bức tranh về Quy Nhơn mà tôi ấp ủ bấy lâu, để chuẩn bị cho triển lãm khu vực do Bình Định đăng cai vào năm tới”.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần đi thực tế để tìm cảm xúc sáng tạo cho tranh vẽ. Ảnh: NVCC
2. Theo nghệ sĩ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT Bình Định), năm nay Bình Định có 17 tác giả với 24 tác phẩm gửi xét dự triển lãm khu vực. “Kết quả, có 12 tác phẩm của 12 tác giả được chọn. So với năm 2023 thì số lượng tác phẩm, tác giả được chọn tham gia triển lãm ít hơn, năm ngoái 16 tác phẩm của 16 tác giả”, anh Nghĩa chia sẻ.
Lướt qua danh sách các tác giả có tác phẩm được chọn, dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng của lực lượng nghệ sĩ trẻ của Bình Định. Chỉ có họa sĩ Nguyễn Xuân Duẫn (SN 1990) được Hội đồng nghệ thuật chọn tác phẩm. Đây là lần thứ hai liên tiếp, họa sĩ Nguyễn Xuân Duẫn có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực. Duẫn hay lấy chất liệu từ đời sống gần gũi xung quanh để sáng tác và chuyển tải những thông điệp của mình. Anh tâm sự: “Lấy cảm hứng từ những ngôi nhà vùng mở rộng đường, đề cao tinh thần hy sinh vì lợi ích chung cho cộng đồng, tôi đã vẽ bức tranh Bến xưa và được chọn trong triển lãm lần này. Cuộc sống mưu sinh, nỗi lo toan gia đình chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Nhưng tôi cũng cố gắng sáng tác để tham gia hoạt động nghệ thuật cùng các anh chị em mỹ thuật của quê hương”.
Tác phẩm Bến xưa của họa sĩ Nguyễn Xuân Duẫn. Ảnh: NVCC
3. Hoạt động sáng tác của khá nhiều nghệ sĩ trong tỉnh không đều, vì thế họ thường không có tác phẩm để gửi dự xét tham gia triển lãm, có năm gửi, có năm không. Nhiều bạn trẻ rất cố gắng trong sáng tác nhưng chưa đạt được hiệu quả, nên đội ngũ nghệ sĩ trẻ ở Bình Định hiếm khi xuất hiện tại các kỳ triển lãm quy mô khu vực trở lên. Và từ danh sách tác phẩm được chọn triển lãm 2024, như đã nói ở trên, tín hiệu báo động sự thiếu hụt về lực lượng họa sĩ trẻ kế cận một lần nữa lại gióng lên.
Nghệ sĩ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận: So với nhiều tỉnh trong khu vực thì số lượng cũng như chất lượng, tác phẩm của các hội viên Trung ương của tỉnh ta không thua kém. Nhiều họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc đã định hình được phong cách riêng và gặt hái được nhiều giải thưởng. Nhưng ngược lại, hội viên địa phương và nghệ sĩ trẻ ở Bình Định lại rất ít; chất lượng tác phẩm cũng chưa tạo được dấu ấn sáng tạo.
Cụ thể các tỉnh bạn thì mỗi năm có nhiều họa sĩ trẻ được Hội đồng Trung ương chọn tác phẩm giới thiệu dự giải Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, còn ở Bình Định thì hiếm hoi, có năm chỉ được 1, có năm lại không có. Hy vọng các họa sĩ trẻ nỗ lực nhiều hơn nữa trong những năm sắp tới. Đặc biệt là hướng tới năm 2025, khi Bình Định đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực, bằng cách nào đó ta được xem nhiều các sáng tác chất lượng của những gương mặt trẻ. Dự kiến chúng tôi sẽ đề xuất Hội VHNT trao giải thưởng thường niên cho gương mặt họa sĩ trẻ để khích lệ các em sáng tạo nghệ thuật.
Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29 do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, diễn ra từ ngày 19 - 23.8 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) gồm 9 tỉnh, thành tham gia: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Bình Định có 12 tác phẩm được chọn, gồm: Đảo vắng (chất liệu sơn dầu trên toan, tác giả Lê Thị Tuấn); Oi nồng phố cũ (acrylic, Trần Tuấn); Hội thi thuyền buồm quốc tế (acrylic trên vải, Nguyễn Chơn Hiền); Ngẫu phối (gỗ + sắt, Lê Trọng Nghĩa); Nỗi nhớ Đà Lạt (acrylic tổng hợp, Nguyễn Văn Cần); Mùa nước nổi (acrylic, Lê Duy Khanh); Tháng 3 Tây Nguyên (in độc bản, Lê Duy Hồng); Sen (gỗ, Nguyễn Văn Minh); Bến xưa (acrylic, Nguyễn Xuân Duẫn); Ước vọng ngàn đời (acrylic tổng hợp, Bùi Thị Tịnh); Múa trống đôi của người Chăm H’roi (sơn dầu trên toan, Trần Đình Tấn); Vũ điệu thời gian (tổng hợp, Nguyễn Hữu Viên).
NGÔ PHONG