Cha tôi
Truyện ngắn của PHẠM VĂN HOANH
Cha tôi kể rằng năm lên 7 tuổi cha mồ côi mẹ, năm 13 tuổi mồ côi cha. Các chị có chồng sống ở quê chồng. 13 tuổi mà cha phải tự bươn chải kiếm sống. Cha làm đủ nghề, hết vào Nam lại ra Bắc, hết lên nguồn lại xuống biển.
Sau nhiều năm tháng tha hương cầu thực cha về quê với chiếc xe đạp và một ít tiền. Năm ấy cha ngoài 30 tuổi. Bạn bè cùng tuổi với cha đã con bế con bồng. Các chị hối thúc cha lấy vợ. Thế là cha lấy vợ và chăm sóc mấy mẫu ruộng của ông bà để lại. Cuộc sống của cha mẹ tôi lúc bấy giờ rất khó khăn bởi chiến tranh ngày càng ác liệt.
Sau ngày thống nhất, tuy đất nước hòa bình nhưng cuộc sống của người dân quê tôi vẫn còn khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Lúc này đa số người dân ở nông thôn chỉ trông chờ vào những vụ lúa nên họ phải “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vậy mà họ quanh năm cơm vẫn chưa đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc. Những bữa cơm thường xuyên chỉ có rau lang, rau muống luộc và chén mắm cái, thỉnh thoảng mới có thêm quả trứng vịt, trứng gà kho và một ít cá đồng kho mặn. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng người dân quê tôi không nản lòng, họ tìm cách khắc phục. Vào những ngày nông nhàn họ lên thành phố đạp xích lô, hoặc mua gánh bán bưng. Cha mẹ tôi cũng vậy.
Khi sạ xong, không có việc làm, cha chở mẹ lên chợ phiên Tam Bảo mua chè, mua mây, mua trái cây để đem về chợ Sông Vệ bán kiếm lời. Mua xong cha chất lên cây xe đạp rồi cha và mẹ cùng đẩy về. Cha không giống như những người buôn bán khác. Họ lươn lẹo, tìm cách mua một bán mười. Cha mua bán thật lòng, nhân tâm. Nhiều lần tôi chạy lên chợ Sông Vệ để lấy thức ăn đem về nhà chuẩn bị cho bữa cơm trưa, khi ấy cha mẹ đang bận bán, tôi ngồi bên chờ, thấy nhiều người mua đi loanh quanh mặc cả các món hàng lân cận, nhưng khi đến hàng cha mẹ tôi thì chẳng có một lời. Cha nói bao nhiêu thì họ đưa bấy nhiêu, cứ như là một quy ước. Nhiều lúc tôi thấy cha thật thà quá sợ thiệt nên góp ý, cha bảo: “Mua bán cũng cần phải để lại cái phước đức về sau cho con, cái tâm lương thiện của cha mẹ là phúc báo cho con cháu sau này”. Tôi cũng hết phương góp ý với cha. Có hôm gặp những người khó khăn cha mẹ chỉ bán lấy vốn. Thậm chí có một vài lần gặp ông già bán thúng mủng, ổng than vãn hoàn cảnh khó khăn, cha cho luôn cả bó mây. Tôi nói với cha là ổng giả bộ đấy. Cha cười nói: “Ổng khó khăn thật sự đấy con. Cho ổng để ổng về làm thúng mủng bán lấy tiền mua gạo. Coi như mình lấy chỗ khác bù vào, cuối cùng thì cũng có để nuôi con, không mất vốn và tâm đức để lại cho các con thì đầy ăm ắp. Cái này thì không tiền bạc nào đo đếm được. Sông có khúc, người có lúc mà con. Ngày sau các con có khó khăn thì có người giúp lại...”. Tôi thấy cha nói có lý. Cũng chính cái tâm của cha mẹ mà hàng hóa của cha mẹ tôi luôn đông khách và thường hết sớm.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Một thời gian sau chợ phiên Tam Bảo không còn đông nữa, cha tôi phải cùng mẹ đi mua bán phế liệu. Nhiều người thấy cha mẹ tôi mua bán phế liệu đắt đỏ nên họ cũng bắt chước. Cha tôi phải chuyển nghề. Cha để mình mẹ tự mua bán phế liệu, còn cha lên đại lý vé số ở thị xã nhận vé để đi bán dạo. Cha dậy lúc 3 giờ sáng, tập thể dục, rồi quét nhà. Cơm chín mẹ dọn lên mâm mời cha và cả nhà cùng ăn. Ăn xong cha pha bình trà đem lên bàn nhà trên ngồi, vừa uống trà vừa nghe đài, hết bình trà cha mới đạp xe đi. Cha tôi gởi xe ở đại lý vé số rồi đi bộ hết chỗ này đến chỗ nọ để bán, bất kể trời nắng nóng hay mưa gió lạnh lẽo. Có những hôm xế tà cha tôi lại len lỏi vào những con hẻm nhỏ, vào quán xá với hi vọng bán được nhiều hơn. Có một lần mải rong ruổi theo những tờ vé số nên quên mất thời gian, lúc nhìn lại đã gần 4 giờ chiều - giờ trả vé cho đại lý. Cha tôi luống cuống. Cũng may lúc đó có anh thanh niên chạy xe ôm vừa đi tới hỏi: “Bác gì ơi! Bác đi về đâu?”. Cha tôi trả lời: “Về đường Nguyễn Công Phương đó chú”. Anh xe ôm nhỏ nhẹ: “Bác ngồi lên đây cháu chở bác về trả vé”. Để cho cha tôi an lòng hơn, suốt quãng đường đi, anh xe ôm hỏi đủ chuyện từ gia đình đến quê hương rồi cuộc sống… Khi đến nơi biết đại lý vẫn còn nhận vé, cha tôi mừng không nói nên lời, những giọt nước mắt chực chờ rơi xuống nhưng cha đã kịp ngăn lại. Khi trả vé số xong xuôi cha tôi gửi tiền đi xe, anh xe ôm không nhận, anh nhẹ nhàng cầm tay cha: “Bác cất đi, hồi trước bác cũng giúp ba mẹ con ở chợ Tam Bảo nhiều. Bác không biết con đâu, nhưng anh chị em con ai cũng nhớ bác”. Con ở chỗ này… chỗ này đây… Cũng không xa đây lắm đâu. Khi nào cần bác cứ đến gọi con nhé. Nói xong anh xe ôm phóng xe đi mất, chưa kịp nhận lời cảm ơn của cha tôi. Từ đó lâu lâu cha tôi đi bán vé số lại gặp anh trên đường. Hai bác cháu trò chuyện thân mật như người nhà.
Nhờ làm nghề phụ trong những ngày nông nhàn, mà cha mẹ tôi mới nuôi sống gia đình và cho con cái đi học. Cha tôi nói: “Ngày xưa vì chiến tranh cha mẹ không học hành được, giờ thanh bình các con phải học hành thay cha mẹ. Nếu chỉ để ăn uống thì ba mẹ tiện tặn là đủ. Nhưng để các con học thì phải làm thêm… các con chớ quên ý nguyện của mẹ cha!”.
Mặc dù rất bận rộn với công việc, nhưng tối nào cha tôi cũng ngồi bên cạnh chị em tôi để nhắc nhở việc học. Có những bài văn khó, tôi làm không được cha giảng giải cho tôi. Không biết cha tôi học ở trường nào mà rất giỏi văn. Có những bài văn bài thơ khó tôi không hiểu, cha bình lại cho tôi nghe… Sáng cha gọi tôi dậy sớm tập võ. Cha dạy cho tôi những thế võ mà cha học được từ thời trai trẻ để ra đường tự vệ. Mỗi lần dạy cha tôi thường dặn: “Con trai phải văn năng ôn, võ năng luyện”. Cha giải thích: “Văn ở đây là văn hóa nói chung…”. Rồi cha lại nói: “Văn vô võ là văn nhu nhược. Võ vô văn là võ bạo tàn”. Thông qua việc dạy võ cha tôi rèn đạo đức cho tôi.
Thời điểm tôi ôn thi đại học, ngoài việc luôn động viên tôi học tập, mỗi tối cha đều bảo mẹ làm những món ăn bổ dưỡng và ép tôi ăn cho hết. Cha bảo: “Phải ăn thật nhiều vào mới có sức học. Học để thoát nghèo”. Lúc đó, ở quê tôi không mấy ai nghĩ như cha tôi. Phần nhiều học hết lớp ba, lớp bốn rồi nghỉ học đi chăn bò, đi cày thuê, cấy mướn, lượm ve chai là có tiền ngay. Họ bảo cha tôi cho tôi nghỉ học để đi làm, nhưng cha cười nói: “Đi học mới thoát được nghèo các bác ạ. Tôi thà chịu khổ chứ không để các con thất học”.
Không phụ lòng mong mỏi của cha và mẹ, chị em tôi đã lần lượt thi đỗ vào trường sư phạm. Ngày tôi đi thi đại học, cha đã đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường trên cây xe đạp. Đến trước cổng trường thi, cha xoa đầu tôi bảo: “Cứ bình tĩnh mà làm bài không sao hết, cứ làm hết khả năng của con là được. Cha tin tưởng ở con!”. Nghe cha dặn dò như thế bạn bè tôi ai cũng nhìn cha ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ tình yêu thương bao la của ông.
Bốn năm đại học trôi qua. Tôi ra trường, đi dạy xa nhà. Nhưng tôi vẫn thường xuyên về thăm cha mẹ. Mỗi lần về tôi năn nỉ cha ở nhà, nhưng cha không chịu. Cha bảo là tuổi già đi bán vé số cho vui.
Hằng năm vào những ngày giỗ chạp, tết nhất dù công việc làm ăn có bận rộn đến mấy, nhưng chị em chúng tôi cũng sắp xếp để tập trung về nơi mình chôn nhau cắt rốn để cùng cha mẹ rước anh linh tổ tiên, ông bà về ăn giỗ, ăn tết. Tôi thấy mỗi lần con cháu về cha mẹ tôi mừng không thể tả.
Thời gian cứ dần trôi, cha tôi ngày một già đi. Không còn đủ sức để rong ruổi với những tờ vé số, cha mới chịu nghỉ…
Gần 90 rồi nhưng trông cha vẫn khỏe mạnh, vững chãi. Có thể do cách ăn mặc của cha nên nhìn cha trẻ hơn tuổi thật của mình. Nhìn cha, ít ai nghĩ rằng cha đang ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Dáng người cha không cao, nhưng mạnh mẽ với làn da ngăm ngăm, bờ vai dài rộng và vô cùng rắn chắc. Mái tóc cha trắng như mây, lúc nào cũng được cắt tỉa gọn gàng. Khuôn mặt cha chữ điền với hàng lông mày trắng và đôi mắt sáng ngời cùng nụ cười ấm áp luôn thường trực trên môi khiến khuôn mặt vốn phúc hậu lại càng phúc hậu hơn. Với dáng vẻ như thế, tôi nghĩ cha tôi sẽ trường thọ. Tôi có ngờ đâu vào một buổi chiều đầu hạ trời chuyển mưa giông, cha tôi lại ra đi. Cha đi quá đột ngột trong cơn nhồi máu cơ tim, mặc dù được các y, bác sĩ cứu chữa tận tình. Trước khi đi cha khỏe lại mấy tiếng đồng hồ, cha trăn trối ngắn gọn: “Cha hết số rồi. Giờ cha phải đi theo ông bà. Các con ở lại chăm sóc mẹ chu đáo và hãy yêu thương nhau, đoàn kết với nhau!”. Rồi cha nhắm mắt.
Cha ra đi đúng vào ngày lễ Phật Đản. Những ngày trước đó, trời nắng như đổ lửa, nhưng ngày cha đi, chiều tối trời đổ mưa, một cơn mưa đầu hạ trút xuống mỗi lúc một nặng hạt. Có lẽ ông trời cũng thương tiếc cha tôi nên đổ lệ. Đêm rằm tháng Tư trời tối đen, buồn thiu!
Cha tôi cả một đời cơ cực với vợ con, sẵn sàng chia sẻ với bà con thân thuộc xóm làng khi “tối lửa tắt đèn”, kể sao cho xiết. Ngày đi mai táng một đoàn người dài dằng dặc đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần đưa tiễn. Tôi chưa từng thấy có đám tang nào trong làng như thế ở quê. An táng cha xong trời đột nhiên mát rượi, chiều dựng lên những ngọn gió lành như tiễn người đi.