Nghỉ hè
Tạp bút của TRẦN ĐĂNG
Bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm ra đời từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước đã ám ảnh nhiều thế hệ học trò suốt 80 năm qua. Bài thơ với những câu thơ phản ảnh đúng tâm trạng háo hức của một “đoàn trai non” sắp tạm chia tay sách vở, ghế bàn: Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Dù đã chia tay sách vở rất lâu rồi nhưng mỗi lần nhìn các cháu nhỏ tay ôm phần thưởng đi dưới những chùm phượng đỏ, rộn tiếng ve ngân, lòng tôi lại khe khẽ rung vang những câu thơ đầy tươi vui ấy. Nhưng đó cũng chỉ là tâm trạng của một người đứng tuổi khi nghĩ về tuổi học trò hồn nhiên đã qua của mình mà chẳng biết chia sẻ với bất cứ một cháu học sinh nào ở thế hệ hôm nay. Vì rằng, tôi nghĩ, không mấy em học sinh bây giờ cảm nhận hết cái tâm trạng háo hức mà bài thơ mang lại.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ. Vui đến mức, các cô các cậu học trò thời ấy xem mùa hạ chẳng khác nào như sắp đón xuân về! Đó là điều mà thế hệ học trò hôm nay không có được. Vì rằng, vừa bế giảng hôm trước, ngay hôm sau các cháu đã phải lao vào học thêm rồi. Cho nên, “nghỉ hè” là một khái niệm đầy xa xỉ đối với các em. Mà nào có phải suốt ngày tất bật với chuyện sách đèn thì có thêm kiến thức cho các em đâu. Gần như chúng ta tự làm khó nhau, nếu không nói là “hành” nhau trong chuyện học. Nhiều em tới lớp học thêm, chỉ ngồi cho có chuyện để bố mẹ khỏi rầy la chứ chả thêm được con chữ nào vô đầu. Mà cũng đúng thôi, ngày có 24 tiếng, ăn ngủ hết 10 tiếng, thời gian còn lại là đánh vật với sách vở thì chỉ có gỗ đá mới chịu thấu mà thôi. Vì vậy, “chín mươi ngày” mà thế hệ cha anh từng “nhảy nhót ở miền quê” thì bây giờ là cả một niềm mơ ước của các em!
Mới đây, một đoàn học sinh người Mỹ, tuổi từ 12 - 16 đã có mặt tại TX Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Chúng đi “thâm nhập thực tế” để trải nghiệm những gì mà trang sách bên nước Mỹ không mang lại cho chúng. Xem cái cách mà số học sinh người Mỹ này tiếp cận với thực tế nông thôn Việt Nam gần một tháng mới thấy hết ý nghĩa của việc thoát ra khỏi vòng tay của cha mẹ để chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này. Dẫu còn ở lứa tuổi vị thanh niên nhưng các em học sinh này đã bộc lộ tính tự lập rất rõ. Từ việc chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho đến cách “vận hành” công việc hằng ngày và tính kỷ luật mà mỗi em phải tuân thủ trong suốt chuyến đi… tất cả đều được “lập trình” đúng kiểu Mỹ!
Mồ hôi đầm đìa, mặt em nào cũng đỏ như gà chọi nhưng không lúc nào thiếu nụ cười trên môi khi cần mẫn bưng bê từng sọt gạch, xách từng thùng nước để trộn vữa cho các bác thợ hồ xây nhà cho các hộ dân nghèo tại đây. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng chứng kiến nỗi vất vả của người nông dân Việt Nam. Đó là điều mà rất nhiều học sinh Việt Nam ở thành thị hôm nay không có được.
Ba tháng hè cũng đã sắp khép lại rồi. Cái cảm giác “mùa xuân trong mùa hạ”- nếu có cũng sắp lùi vào quá khứ. Một năm học mới lại bắt đầu với bao bộn bề phía trước. Tôi động viên đứa cháu sắp bước vào lớp 8, gọi tôi bằng “ông trẻ”: “Nghỉ bấy nhiêu đó đủ rồi nhé? Phải lo học thôi cháu à”. Nó nhìn tôi như một người xa lạ: “Ba tháng qua cháu có được nghỉ học ngày nào đâu ông ơi!”. Tôi nín thinh. Không dám đọc lại bài thơ Nghỉ hè ở trên cho bọn nhóc nghe, dù chỉ một câu thôi, chẳng phải bài thơ đã hóa thành câu chuyện cổ tích hay sao. Trẻ nhỏ, đứa nào lại chả thích chuyện cổ tích…