“Giữ lửa” nghề rèn thủ công ở Phước An
Hiện nay, nghề rèn thủ công đang dần mai một, người theo nghề cũng vơi dần. Thế nhưng, ở một số thôn của xã Phước An (huyện Tuy Phước) vẫn còn một số gia đình rất tâm huyết với nghề.
Nghề rèn vất vả, nặng nhọc, nhưng hơn 38 năm nay, lò rèn của gia đình ông Nguyễn Doãn Trỏng (59 tuổi, ở xóm 1, thôn An Sơn 2) vẫn cứ ngày đêm miệt mài “đỏ lửa”, cùng với khói bụi để cho ra những sản phẩm thủ công như dao, rựa, cuốc, xẻng… với chất lượng bền, đẹp. Những tiếng nện búa râm ran quanh năm, suốt tháng của ông như đã đi vào tiềm thức của nhiều người dân trong xóm.
Ông Trỏng đang rèn một chiếc rựa từ nhíp xe ô tô, được người dân ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) đặt làm riêng. Ảnh: D.Đ
Ông Trỏng tâm sự, ông theo nghiệp rèn từ lúc mới 9 tuổi. Thời điểm đó, ông tự đi xin việc tại một lò rèn trong vùng. Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi, ông được chủ lò rèn truyền nghề, hướng dẫn tận tình, dần dà tay nghề ngày một khá lên. Chỉ sau vài năm vừa học, vừa làm, ông đã thành nghề.
Nghề rèn thủ công hầu như không có sách vở ghi chép hướng dẫn kỹ thuật, chỉ có người đi trước truyền lại cho người sau. Để cho ra một thành phẩm hoàn chỉnh từ nguyên liệu xù xì, người thợ phải dùng búa tạ đập và đưa vào lò lửa nung đến khi đỏ rực. Sau đó, tiếp tục dùng búa đập, nhúng nước, dầu tôi luyện, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình sản phẩm thì mài, dũa cho sắc bén.
“Trung bình mỗi tháng, tôi nhận rèn 20 - 25 sản phẩm, với giá 150 - 300 nghìn đồng/sản phẩm. Dù giá tuy cao hơn so với các sản phẩm khác ngoài thị trường, nhưng chất lượng rất bền, chắc và sắc bén. Vì vậy, phần lớn sản phẩm tôi làm ra đều được người dân tự tìm đến lò đặt làm riêng cho mình”, ông Trỏng nói.
Rời nhà ông Trỏng, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Bá Phước (48 tuổi, xóm 1, thôn An Sơn 2) cũng đã có thâm niên gắn bó với nghề rèn truyền thống hơn 33 năm. Ông được cha truyền lại nghề rèn từ khi mới là chàng thiếu niên và đã trải qua đến đời thứ 3.
Ông Phước là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề rèn truyền thống. Ảnh: D.Đ
“Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa làm công việc nào khác ngoài nghề rèn. Mặc dù nghề có vất vả, nhem nhuốc vì khói bụi thật, nhưng những sản phẩm do chính đôi tay mình làm ra rất đáng quý. Trong mỗi sản phẩm chứa đựng kinh nghiệm đúc kết quý giá bao đời của cha ông mình truyền lại, mang cả tình cảm của người làm nghề. Vì thế, “giữ lửa” được nghề truyền thống của gia đình không bị mai một vừa là trách nhiệm vừa là niềm tự hào của tôi”, ông Phước chia sẻ.
Ông Lê Văn Yên dùng máy để hàn cán cuốc, tạo độ chắc chắn cho nông cụ. Ảnh: D.Đ
Còn ông Lê Văn Yên (64 tuổi, ở xóm 2, thôn An Sơn 1) cũng có thâm niên gần 40 năm với nghề rèn. Ông cho biết: “Nghề rèn không chỉ là công việc mưu sinh hằng ngày, mà chúng tôi lưu giữ nghề này cốt để cho con cháu có thể tiếp nối, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Đối với tôi, còn sức khỏe thì mình cứ làm, khi nào không đủ sức đe, búa thì mới thôi”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Phan Thị Thanh Thu cho hay trên địa bàn xã hiện còn 5 - 7 hộ dân giữ nghề rèn thủ công của gia đình, nằm rải rác trên địa bàn nhiều thôn, đáp ứng được nhu cầu vật dụng sản xuất, sinh hoạt của người dân, tạo nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, để giúp các hộ gìn giữ và tránh thất truyền nghề rèn, Hội Nông dân xã sẽ vận động các hộ mạnh dạn vay các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư máy móc, nhằm giảm bớt sức lao động, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
DUY ĐĂNG