Bảo tồn, phục dựng Lễ hội đổ giàn An Thái
Tọa đàm khoa học khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) do UBND TX An Nhơn phối hợp Hội VHNT tỉnh tổ chức tại nhà văn hóa xã Nhơn Phúc ngày 9.8 vừa qua đã góp thêm nhiều sử liệu, góc nhìn để định hướng bảo tồn và phục dựng một lễ hội độc đáo, đậm chất thượng võ xưa kia.
Lễ hội đậm chất thượng võ
Theo các nhà nghiên cứu, thị tứ An Thái là nơi sinh sống của người Hoa, người Việt - có vai trò quan trọng đối với tỉnh Bình Định từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX. Lễ hội đổ giàn An Thái có từ rất lâu được tổ chức tại Ngũ bang hội quán (còn có tên là chùa Âm hồn, chùa Bà Thiên Hậu thánh mẫu) gắn với tín ngưỡng thờ Tiêu Diện đại sĩ (hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát - dân gian gọi là ông Tiêu) và các nghi lễ cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu; siêu độ vong linh, cô hồn vào ngày Vu Lan, dịp tết Trung nguyên của đạo Lão. Đến thời Tây Sơn, tinh thần thượng võ phát huy trong Lễ hội đổ giàn thể hiện qua nghi thức xô cổ, đổ giàn giành phướn và heo, tạo sự phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT tỉnh), cho biết: Lễ hội đổ giàn xưa kia được tổ chức 4 năm/lần vào trung tuần tháng 7 âm lịch trong các năm Tỵ, Dậu, Sửu. Nét độc đáo của lễ hội là nghi thức xô cổ, đổ giàn thu hút các võ đường ở An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn), An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) và các làng võ tham gia giao lưu, học hỏi về võ thuật, được lưu truyền qua câu ca dao: “Tai nghe ở hạt Bình Khê/Nhiều tay võ sĩ tài nghề giật heo”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, mục đích ban đầu của Lễ hội đổ giàn là cầu mưa thuận, gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. Nhưng sức hấp dẫn của lễ hội không phải ở chỗ làm chay, hát bội mà là tiết mục đổ giàn, với sự tham gia của các võ sĩ tài nghệ cao cường đến từ các võ đường, tranh tài cướp lấy con heo quay. Ý nghĩa của cuộc tranh tài này không nằm ở giá trị vật chất của món quà giành được mà ở giá trị tinh thần, được thể hiện qua tài nghệ của những người dự cuộc với chỗ đứng danh dự trong làng võ.
Lễ hội đổ giàn An Thái được tái hiện tổ chức năm 2005. Ảnh: NGUYỄN VĂN NGỌC
Phân tích về yếu tố Phật giáo hướng tới cố kết cộng đồng trong Lễ hội đổ giàn, TS Nguyễn Văn Dự, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết: Lễ hội đổ giàn An Thái mang giá trị văn hóa truyền thống của người dân An Thái trong quá trình cộng cư và tiếp biến văn hóa Việt - Hoa. Phần nghi lễ thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng của Phật giáo đại thừa mang tính suy nghiệm về cội nguồn tổ tiên, cầu quốc thái dân an, cầu cho những người đã mất được siêu thoát. Phần hội đổ giàn tổ chức trên giàn với tinh thần nhân văn thượng võ, tạo không khí náo nhiệt. Về nguồn gốc ra đời lễ hội này, có thể nơi đây là vùng đất võ, hoặc đây là tập tục làm chay cúng thí của cộng đồng người Hoa.
Cần phục dựng Lễ hội đổ giàn An Thái
Dựa vào những tư liệu ghi chép Ngũ bang hội quán xây dựng năm Quý Dậu 1873, Lễ hội đổ giàn An Thái tổ chức chu kỳ 4 năm/lần tính theo thập nhị địa chi vào những năm Tỵ, Dậu, Sửu, các nhà nghiên cứu phỏng đoán lễ hội này tổ chức vào các năm: Quý Dậu 1873, Đinh Sửu 1877, Tân Tỵ 1881… cho đến năm Tân Tỵ 1941. Từ sau năm 1941, Lễ hội đổ giàn không còn tổ chức vì nhiều yếu tố. Đến năm 2005, địa phương tiến hành tái hiện Lễ hội đổ giàn từ ngày 14 - 16.7 âm lịch với những nghi lễ: Rước nước, rước cỗ, rước Phật, rước hương, chưng cộ đất, rước đèn múa lân, cầu an, cầu siêu, đổ giàn… Từ đó đến nay, lễ hội chưa được duy trì thực hiện.
Võ sư Lâm Ngọc Ánh (69 tuổi), võ đường Bình Sơn ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), nhớ lại: “Tôi từng nghe cha và các cụ cao niên kể lại về Lễ hội đổ giàn An Thái tổ chức từ ngày 14 - 16 tháng 7 âm lịch năm 1941. Hồi đó, các võ đường tranh hội đổ giàn với tinh thần giao lưu, biểu diễn võ thuật. Võ đường nào giành được lá phướn và con heo được xem rất vinh dự, phần thưởng ấy được chia đều cho các võ đường cùng tham gia để lấy lộc. Còn những phẩm vật, như muối, gạo, đậu xanh, đậu đen, bánh, trái cây… mang chia cho người dân nghèo, người khó khăn ở địa phương, thể hiện nét đẹp nhân văn. Bà con nhân dân ở đây rất mong lễ hội này được phục dựng, duy trì tổ chức để bảo tồn nét văn hóa truyền thống”.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cũng đề xuất UBND TX An Nhơn cần sớm khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn phục vụ du lịch.
Ngũ bang hội quán ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc là nơi tổ chức Lễ hội đổ giàn xưa kia. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang bày tỏ: “Việc phục dựng Lễ hội đổ giàn cần giữ gìn bản sắc văn hóa, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người dân chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh. Chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian tham gia vào hoạt động lễ hội để góp phần làm cho “bức tranh lễ hội” của tỉnh Bình Định trong đời sống đương đại trở nên phong phú, đa dạng; bảo lưu, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn”.
Việc khôi phục Lễ hội đổ giàn cũng cần đề ra kế hoạch, xây dựng thể chế và quản lý để tổ chức bài bản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và quy định của Nhà nước.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho rằng: “Địa phương cần lên kế hoạch và thể nghiệm trong năm 2024, rồi tiến đến phục dựng tổ chức Lễ hội đổ giàn trong năm Ất Tỵ 2025 và định kỳ những năm tiếp theo thông lệ. Trước khi phục dựng lễ hội cần quy hoạch địa điểm, không gian tổ chức, tái hiện các nghi lễ, quy chế tổ chức phần hội đổ giàn…, phù hợp thị hiếu thẩm mỹ hiện nay, gắn kết phát triển du lịch”.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Lễ hội đổ giàn An Thái mang giá trị về văn hóa, lịch sử, tinh thần thượng võ của vùng đất Nhơn Phúc nói riêng, TX An Nhơn nói chung. Chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành chức năng của thị xã và UBND xã Nhơn Phúc lập thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến về việc khôi phục Lễ hội đổ giàn, xây dựng nội dung tổ chức lễ hội vào năm Tân Tỵ 2025 theo định kỳ 3 năm Tỵ, Dậu, Sửu như trước. UBND thị xã sẽ báo cáo Thị ủy An Nhơn, Sở VH&TT, cùng tham vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu về việc khôi phục Lễ hội đổ giàn; tiến tới lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh đề Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN