Tròn 75 năm ra đời Công ước Geneva 1949 về bảo vệ tù binh và dân thường
Ngày 12.8 đánh dấu tròn 75 năm ngày ra đời các Công ước Geneva (12.8.1949) về bảo vệ dân thường, tù binh và binh lính bị thương trong chiến tranh. 75 năm đã trôi qua, các Công ước Geneva đã góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, trường học và bệnh viện.
Các Công ước Geneva năm 1949 gồm 4 công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh và quân nhân bị thương và bệnh tật. Những công ước này đã tạo thành nền tảng của Luật Nhân đạo quốc tế, một bộ quy tắc thiết lập các tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu của con người cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống xung đột vũ trang.
Chiến sự ở Gaza. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế Mirjana Spoljaric, các cuộc chiến trên thế giới hiện tại đang đặt cộng đồng quốc tế trước nhiều thách thức khi nhu cầu nhân đạo thường bị xếp xuống thứ yếu với lý do an ninh nội bộ.
Một phân tích do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thực hiện cho thấy, hơn 120 cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới, tăng gấp 6 lần so với năm 1999. Bà Spoljaric cho rằng Luật nhân đạo quốc tế là một thành tựu thời đại, cộng đồng quốc tế phải bảo vệ thành tựu quan trọng này. Kỷ niệm 75 năm ký kết các Công ước Geneva là cơ hội để tất cả các quốc gia tiến hành các biện pháp cụ thể, tiếp tục cam kết vì nhân loại.
Chủ tịch Spoljaric nói: "Công ước Geneva không chỉ độc đáo và phổ quát mà còn cho thấy độ bền vững đáng kinh ngạc. Công ước này cấm tra tấn và bạo lực tình dục, yêu cầu đối xử nhân đạo với những người bị giam giữ, yêu cầu phải tìm kiếm những người mất tích. Và về cơ bản, công ước này phản ánh sự đồng thuận toàn cầu rằng mọi cuộc chiến đều có giới hạn... Và đó là lý do tại sao lời kêu gọi đầu tiên của tôi hôm nay là tất cả các quốc gia hãy coi việc tuân thủ Công ước Geneva là ưu tiên chính trị".
Theo Thu Hoài (VOV1)