Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn: Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế
Những năm qua, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng đã trở thành phong trào tiêu biểu của Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn. Thực tế cho thấy phong trào này đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo thanh niên và góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thời gian đầu mới ra trường gặp nhiều khó khăn, được Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn tổ chức cho đi tham quan mô hình tại Đà Lạt, được tiếp cận Ngân hàng CSXH và vay 50 triệu đồng từ đây, đầu năm 2021, anh Phan Trọng Hà (ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận) mạnh dạn đầu tư hệ thống péc phun tưới và trồng thử nghiệm 500 cây măng tây xanh trên diện tích 200 m2.
Anh Phan Trọng Hà làm viên nén phân bón từ trùn quế. Ảnh: Đ.N
Ngoài ra, anh Hà còn trồng thêm hơn 40 gốc dừa xiêm lùn và 2 sào đậu phụng; kết hợp trồng cỏ vetiver để tăng độ màu cho đất, giảm lượng nước tưới cho cây trồng. Cùng với đó, anh đầu tư nuôi trùn quế, lấy trùn tươi nuôi gà vịt, làm phân bón cho cây cối trong vườn; đồng thời sản xuất viên nén phân trùn quế phục vụ nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả với thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. “Nhờ làm ăn, phát triển kinh tế, tôi gắn bó với quê hương, với tổ chức Hội, tham gia các hoạt động phong trào của Hội và địa phương tích cực hơn”, anh Hà chia sẻ.
Được hình thành đã lâu, nhưng mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Thành Nam (SN 1990, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) cũng chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Đến đầu năm 2023, được Hội LHTN Việt Nam xã Tây Giang kết nối tham gia lớp dạy nghề nuôi, phòng trị bệnh trên gà cho thanh niên, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, anh Nam đã mở rộng mô hình với quy mô 5.000 con gà thả đồi, mỗi lứa anh nuôi khoảng 1.000 con, chừng 4 - 4,5 tháng có thể xuất bán.
“Để đảm bảo gà khỏe mạnh, tôi chọn mua con giống ở cơ sở uy tín, chất lượng; gà được tiêm vắc xin đầy đủ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khoa học. Với giá bán hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg gà thịt, mỗi năm tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng”, anh Nam cho hay.
Lập nghiệp thành công ngay tại quê hương cũng là câu chuyện của anh Đinh Hữu Thắng (ở thôn Phú Thịnh, xã Tây Phú). Năm 2014, với kỹ thuật và mối quen đã có, anh Thắng vay từ Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn 30 triệu đồng qua kênh của Hội LHTN xã, mở cơ sở may gia công tại nhà.
Hiện nay, nguồn hàng của cơ sở rất ổn định, không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình anh mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là thanh niên địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng, trong giai đoạn 2019 - 2024, Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 21 phiên giới thiệu việc làm, 3 chuyến tham quan các mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu trên địa bàn huyện; hỗ trợ 5 dự án tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Định”; hỗ trợ 6 thanh niên phát triển mô hình kinh tế; duy trì các CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, Hội LHTN huyện vận động các Hội xã, thị trấn nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH qua 31 tổ tiết kiệm vay vốn, dư nợ trên 62 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế...
Theo anh Trần Lâm Sơn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Tây Sơn, việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí giúp thanh niên làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi đúng, cách làm phù hợp. Trong thời gian tới, Hội LHTN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao KHKT, giống, kinh nghiệm… Đồng thời, tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện, nhằm tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế.
ÐINH NGỌC