Ðầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới
Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, thời gian qua, tỉnh Bình Ðịnh đã đầu tư xây mới một số cơ sở giáo dục, sửa chữa các hạng mục xuống cấp, hư hỏng thuộc nhiều công trình khác nhằm đảm bảo phục vụ công tác dạy và học tốt nhất.
Xây mới và sửa chữa 38 công trình
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, riêng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trường THPT gần 170 tỷ đồng. Cụ thể, xây dựng mới 10 công trình, sửa chữa 28 công trình, mua sắm 2.037 bộ bàn ghế học sinh THPT và 5.585 thiết bị dạy học tối thiểu lớp 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) được đầu tư xây dựng thêm 6 phòng học phục vụ cho năm học 2024 - 2025. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Đáp ứng nhu cầu cho năm học mới, từ cuối năm 2023, Trường THPT số 3 An Nhơn (TX An Nhơn) được đầu tư xây dựng thêm nhà lớp học 2 tầng (6 phòng học) với nguồn kinh phí 4,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Theo ông Nguyễn Sơn Đông, Hiệu trưởng nhà trường, hiện tại, dự án đã cơ bản hoàn thành và dự kiến bàn giao trước năm học mới. Ngoài ra, năm học này trường còn được đầu tư 1 bộ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho lớp 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Riêng các cơ sở vật chất như bàn ghế, bảng, các thiết bị dạy học khác đã được bố trí cho 32 phòng học và 6 phòng bộ môn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho 1.367 học sinh thuộc 3 khối lớp trong năm học tới.
TP Quy Nhơn là địa bàn có đông học sinh, vì vậy, năm học mới các trường THPT trên địa bàn được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều hạng mục như: Sửa chữa nhà lớp học 3 tầng (6 phòng) và nhà lớp học 3 tầng (9 phòng) tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định; sửa chữa tường rào mặt trước và hai bên, nhà vệ sinh học sinh, sân trường tại Trường Quốc học Quy Nhơn; sửa chữa nhà lớp học 2 tầng (6 phòng) Trường THPT Trưng Vương; sửa chữa ký túc xá 5 tầng, nhà lớp học bộ môn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn… với kinh phí gần 7 tỷ đồng.
Bà Mai Thị Minh Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, chia sẻ: Năm học này trường có 1.569 học sinh cho cả 3 khối lớp, công tác sửa chữa khu vực lớp học 2 tầng khu nhà C góp phần tân trang phòng ốc, phục vụ các em trong năm học tới.
Quan tâm hơn các trường miền núi
Trước năm học 2024 - 2025, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh (huyện Vân Canh) được đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa; nâng cấp, cải tạo nhà hiệu bộ, tường rào mặt sau giáp suối nước và nâng nền, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Ông Trương Xuân Tú, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: Vì là địa bàn có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, phần lớn học sinh ở nội trú nên việc được đầu tư các hạng mục mới, đặc biệt là khu sinh hoạt giáo dục văn hóa, góp phần hỗ trợ công tác quản lý, giảng dạy của chúng tôi rất nhiều.
Tương tự, 3 năm trở lại đây, Trường Tiểu học Canh Hiệp (Vân Canh) nhận được sự quan tâm đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đề án dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bà Đỗ Thị Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Đến nay, trường đã có đủ 15 bộ máy vi tính bố trí tại phòng Tin học, 4 phòng chức năng có đầy đủ thiết bị đã đưa vào hoạt động; tivi được lắp đặt tại tất cả các phòng học, có hệ thống camera…; sân trường được nâng cấp sửa chữa và một dãy phòng học được xây dựng mới đáp ứng cho năm học này. Điều này là niềm vui lớn đối với nhà trường.
Năm học này, UBND huyện Tây Sơn đã quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều hạng mục cơ sở vật chất nhằm kiên cố hóa trường lớp, thay thế phòng học hư hỏng; nâng cấp, sửa chữa kịp thời các công trình như tường rào, cổng ngõ, sân trường và nhà vệ sinh hư hỏng, xuống cấp; mua sắm bàn ghế học sinh và thiết bị dạy học. Ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, cho hay, sắp tới địa phương sẽ bố trí các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 5, 9 về các trường, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Trường Tiểu học Vĩnh An được đầu tư xây dựng mới 1 khu hiệu bộ, 1 phòng học tại điểm trường Làng Giang và 1 phòng học tại điểm trường làng Xà Tang, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,8 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Xuân Ngọc, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, từ nguồn kinh phí của đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, một số trường như: THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, THCS Vĩnh Hảo, Mầm non Vĩnh Hảo, Mầm non thị trấn Vĩnh Thạnh được đầu tư nâng cấp, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Ngoài ra, một số trường tại các xã vùng cao được đầu tư quan tâm, đáp ứng cho công tác dạy học.
Ông Nguyễn Công Định, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết, trường đã xây dựng 3 phòng học, 4 phòng bộ môn và sửa chữa một số công trình như nhà vệ sinh học sinh, tường rào cổng ngõ và cung cấp trang thiết bị dạy học cho cả 2 cấp học tiểu học và THCS. Hiện 4 phòng học bộ môn cơ sở đầy đủ thiết bị, bếp ăn bán trú đảm bảo 100% học sinh của trường đủ điều kiện học bán trú 2 buổi/ngày.
HỒ THỊ ÐIỂM