Liệt sĩ “hồi hương”
Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều thân nhân liệt sĩ vẫn mang nỗi đau thất lạc người thân. Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ” của Trung tâm Tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) (thuộc Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Bộ Tư pháp) đã đồng hành, chia sẻ và cung cấp thông tin đến các gia đình.
Tháng 10.2013, Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ” được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Ninh. 1 năm sau, có 34 phần mộ có tên liệt sĩ đã được điều chỉnh lại thông tin: tên, quê quán. Đặc biệt, 34 gia đình nhận được tin của người thân bấy lâu họ rong ruổi tìm kiếm khắp nơi. Trong đó, gia đình liệt sĩ Đinh Trọng Chiến (ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) đã đón tin về người chồng, người cha đã thất lạc hơn 50 năm.
Tin người về với quê nhà
Tháng 2.2014, bà Đinh Thị Cúc (51 tuổi, ở thôn Mỹ Hội 2, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) nhận được thông tin từ MARIN về mộ phần của người cha Đinh Trọng Chiến trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Người cha mà bà chưa kịp biết mặt ấy ra đi khi bà vừa tròn 3 tháng tuổi. Mọi hình ảnh về ông đều chỉ thông qua vài câu chuyện ít ỏi của mẹ - bà Lưu Thị Khá (77 tuổi). Bàn thờ ông mấy chục năm qua không có lấy một di ảnh để con cháu tưởng nhớ mỗi lần thắp nén hương.
Bà Cúc kể: “Mẹ tôi mỗi lần nhớ cha đều trăn trở về việc không biết mộ ông hiện đang ở nơi nào. Chúng tôi đều đã cao tuổi, lại không rành về thông tin; con cháu thì đều là dân lao động, đều không biết phải bắt đầu từ đâu để tìm thấy ông nên chấp nhận việc chỉ nhớ ông trong tâm tưởng. Vậy nên, lúc nhận được thông báo về mộ cha đang ở tỉnh Tây Ninh, mẹ con tôi đều ngỡ ngàng, vui mừng”.
Biết mộ cha hiện còn thiếu nhiều thông tin, gia đình đã theo hướng dẫn của cán bộ địa phương làm đơn xin điều chỉnh thông tin trên mộ. Cuối tháng 7, bà Cúc nhận được công văn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh thông báo về việc hoàn tất điều chỉnh thông tin trên mộ phần. Theo đó, mộ liệt sĩ Đinh Trọng Chiến là ngôi mộ số 16, B3P, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Gia đình bà Cúc phấn khởi vì có thể đến thăm và xin dời mộ liệt sĩ về quê nhà. Bà Cúc bảo, đợi mẹ khỏe lại (hiện đang điều trị bệnh đau khớp tại Trung tâm Y tế huyện), sẽ nhờ cháu đưa vào Tây Ninh để viếng ông.
Theo chị Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc MARIN, Trung tâm mất 4 tháng để hoàn tất thủ tục điều chỉnh thông tin trên mộ phần liệt sĩ Đinh Trọng Chiến. “Trên mộ phần của liệt sĩ Chiến chỉ có thông tin về tên, năm hy sinh và nguyên quán chưa đầy đủ. Dựa vào ngân hàng hồ sơ quân nhân của MARIN, chúng tôi tra được thông tin về liệt sĩ. Ngay lập tức, chúng tôi liên hệ với huyện Phù Mỹ và gửi công văn về xã Mỹ Tài để hướng dẫn cho thân nhân làm đơn xin trợ giúp pháp lý điều chỉnh mộ”.
Đồng hành cùng thân nhân liệt sĩ
Trên khắp các nghĩa trang cả nước, vẫn còn rất nhiều mộ không có người thân thăm viếng. Trong khi đó, gia đình họ cũng đang rong ruổi khắp nơi tìm kiếm. Họ liên lạc lại với đồng đội cũ của người thân, cầm giấy báo tử chạy tìm ở khắp các nghĩa trang, thông qua các nhà ngoại cảm... Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ” của MARIN có ý nghĩa lớn đối với thân nhân liệt sĩ. Sau 1 năm thí điểm, Dự án tiếp tục được nhân rộng ra toàn quốc từ tháng 8.2014. Trong 24 tháng tới, Dự án sẽ hỗ trợ cho nhân thân của 500 liệt sĩ đã có tên nhưng còn thiếu thông tin trên mộ phần tại nghĩa trang liệt sĩ của 5 tỉnh (Bình Định, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị) tìm lại chính xác phần mộ của người thân.
Sở hữu ngân hàng thông tin đầy đủ về 900.000 liệt sĩ và các phần mộ liệt sĩ an nghỉ tại 3.000 nghĩa trang toàn quốc cùng với kinh nghiệm 10 năm cung cấp thí điểm phần mộ liệt sĩ cho 1.000 gia đình ở tỉnh Nghệ An, chị Ngô Thị Thúy Hằng cho biết: “MARIN đang nỗ lực hết sức để kết nối các gia đình đến với mộ liệt sĩ thất lạc. Việc trợ giúp được thực hiện theo quy trình khoa học và chính thống theo đúng luật pháp Nhà nước: khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và trên thực địa, kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh, kiến nghị bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang. Đằng sau mỗi phần mộ được bổ sung thông tin là niềm vui của người nhà và MARIN. Đó cũng là cách để chúng tôi tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc”.
Hy vọng, với những nỗ lực của MARIN và các đơn vị, địa phương liên quan, sẽ có thêm nhiều người lính được trở về với đúng danh, đúng phận, đúng quê hương.
Hiện nay, xuất hiện tình trạng các gia đình đăng tin tìm liệt sĩ trên tivi thường nhận được điện thoại của các đối tượng lừa đảo. MARIN khuyên thân nhân liệt sĩ phải thật tỉnh táo. Trước hết, các gia đình nên liên lạc Bộ Chỉ huy quân sự địa phương để có hồ sơ quân nhân. Nếu không biết làm thế nào với thông tin từ hồ sơ đó, các gia đình có thể liên lạc với MARIN để được hỗ trợ miễn phí, được hướng dẫn cách tìm mộ bằng những con đường chính thống, phù hợp với pháp luật. Địa chỉ là Phòng 801 Nhà N4B, Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, hoặc đường dây nóng: 1900571242.
NGUYỄN MUỘI