Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo
(BĐ) - Đây là yêu cầu đặt ra của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW), được Chính phủ tổ chức vào chiều 14.8.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam và cùng các Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: D.Đ
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 3 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong 10 năm qua, công tác huy động nguồn vốn, quản lý và sử dụng vốn Ngân hàng CSXH tính đến ngày 31.7.2024, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng, so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40. Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng CSXH đã hỗ trợ trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.
Tính đến ngày 31.7.2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Trong tổng dư nợ tín dụng CSXH, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 124.020 tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 34.309 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng dư nợ, với hơn 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; khách hàng người dân tộc thiểu số là 86.900 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ, với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hệ thống Ngân hàng CSXH cần chủ động báo cáo, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, đảm bảo nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; rà soát, tập trung các nguồn vốn tín dụng CSXH có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng CSXH; ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi có thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định bền vững.
Đồng thời, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, sự tham gia giám sát của Trưởng cấp thôn trong việc quản lý nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho người nghèo, đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng biên giới, hải đảo; mở rộng đối tượng được vay các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng miền, tạo động lực thúc đẩy người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập…
DUY ĐĂNG