Hát bội, hát bộ hay hát tuồng?
Từ xưa ở Bình Định đã nghe câu ca dao “Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”. Nghệ thuật hát bội đã đi vào đời sống văn hóa của người Bình Định nói riêng và người dân các vùng ven biển Việt Nam nói chung. Điển hình đến ngày nay, hát thanh minh, hát cúng miễu, và hát lăng trong lễ cầu ngư của bà con ngư dân đều biểu diễn nghệ thuật hát bội. Nhưng nay nhiều người gọi nghệ thuật hát bội là hát tuồng, gây ra sự mơ hồ cho thế hệ trẻ về nhận thức các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Lúc còn sống và làm việc, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã nhiều lần chỉnh sửa và yêu cầu gọi đúng tên hát bội. Tôi nhớ trước năm 1975, người Bình Định chỉ gọi loại hình nghệ thuật này là hát bội, hoặc hát bộ, chứ không hề có tên gọi hát tuồng. Vậy tên gọi hát tuồng có từ đâu? Gọi hát tuồng có chính xác không?
Tên gọi hát tuồng xuất hiện kể từ sau năm 1975, khi tỉnh Nghĩa Bình thành lập Nhà hát tuồng Đào Tấn. Nhưng lúc đó cũng chưa gọi hát bội là hát tuồng nhiều như hiện nay, bởi lúc bấy giờ còn có các nghệ sĩ hát bội nổi tiếng và các đoàn hát bội biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nên tên gọi hát bội còn quen thuộc và gần gũi với bà con nhân dân.
Mặt khác, xét trong vốn từ của Việt Nam thì từ “tuồng”: Nghĩa (1) là vở tuồng, tuồng hát, kịch bản, vở diễn; nghĩa (2) là luông tuồng, tuồng như. Từ hát tuồng có nghĩa là hát các loại tuồng: Tuồng thầy, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng tiểu thuyết… Ở Bình Định có nhà soạn tuồng Đào Tấn (1845 - 1907) với hơn 40 tác phẩm, trong đó có các vở tuồng nổi tiếng như: Trầm Hương Các, Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Cổ Thành, Diễn võ đình… Đặc biệt vở tuồng Hộ Sanh Đàn được đưa vào danh sách 100 tác phẩm sân khấu điển hình của thế giới. Như vậy, tên gọi hát tuồng có thể xuất phát từ chỗ nhầm lẫn hát các vở tuồng rồi chuyển sang gọi tắt thành hát tuồng.
Hát bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống đã được định danh lâu đời. Quê hương Bình Định - mảnh đất của nhiều tác gia, nghệ sĩ hát bội nổi tiếng, không thể gọi tên một loại hình nghệ thuật gần như máu thịt, gan ruột của các thế hệ cha ông đã từng trân trọng gìn giữ, gọi qua một cái tên khác là hát tuồng. Thật đáng buồn và rất cần các cơ quan chuyên ngành, đơn vị chức năng quan tâm chấn chỉnh, sửa sai thành đúng. Trong khi đó, hiện nay ở một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh vẫn gọi đúng là nghệ thuật hát bội. Ngoài ra, Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) đã ghi danh nghệ thuật hát bội Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Từ những điều nêu trên, có lẽ chúng ta nên sớm điều chỉnh lại, đặc biệt tránh viết sai trên các văn bản, pa nô, áp phích, và trong các cuộc hội thi, hội diễn.
TS NGUYỄN DỰ