Hoài Nhơn giữ gìn di sản hát bội
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát bội, cách đây 6 năm, UBND TX Hoài Nhơn ra quyết định thành lập Ðoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn, hỗ trợ để Ðoàn hoạt động trong phạm vi địa bàn thị xã, hướng tới phục vụ du lịch văn hóa.
Với sự tâm huyết của một số nghệ nhân hát bội và sự quan tâm của TX Hoài Nhơn, Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn được thành lập năm 2018, thuộc Trung tâm VH-TT-TT TX Hoài Nhơn. Sau gần 6 năm hoạt động, các nghệ nhân của Đoàn đã góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát bội của Bình Định trong cộng đồng.
Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn biểu diễn trích đoạn hát bội Lê Huê biệt mẹ thu phục Tiết Ứng Long. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Xuân Huệ, Trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn, cho biết: Khi mới thành lập, thị xã hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, phục trang để Đoàn hoạt động, cũng như khuyến khích các địa phương mời Đoàn về phục vụ trong các lễ hội cầu ngư, thanh minh, tế đình miếu… Ngoài những suất hát theo hợp đồng, thị xã còn hỗ trợ kinh phí để mỗi địa phương có thêm một suất hát. Hoạt động theo phương thức tự chủ tài chính, nhưng thị xã rất quan tâm hỗ trợ mọi mặt để chúng tôi có thêm điều kiện tập luyện, biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội do thị xã và tỉnh tổ chức.
Là đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên thành lập muộn nhất trong tỉnh, chỉ mới gần 6 năm tuổi nghề, nhưng hầu hết nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn vốn là những người được truyền nghề từ các thế hệ nghệ nhân của các đoàn nghệ thuật hát bội đồng ấu Hoài Nhơn ngày trước, còn gắn bó với nghệ thuật hát bội và muốn khơi lại sân khấu hát bội truyền thống trên đất Hoài Nhơn, nên mọi việc có nhiều thuận lợi.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Bình (69 tuổi), diễn viên Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn, chia sẻ: “Quê gốc của tôi ở Tây Sơn, lấy vợ lập nghiệp tại Hoài Nhơn. Năm 20 tuổi, tôi theo học hát bội thầy Minh Đỏ, sau đó về làm diễn viên Đoàn tuồng Nghĩa Bình (nay là Đoàn tuồng Đào Tấn thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Đến năm 1984, tôi ra làm diễn viên không chuyên, theo nghề cho đến nay. Khi hay tin thị xã thành lập đoàn nghệ thuật hát bội, tôi rất mừng đăng ký tham gia ngay”.
Trưởng thành trong nghề từ Đoàn nghệ thuật hát bội đồng ấu Hoài Nhơn, với hơn 40 năm gắn bó hát bội, nghệ nhân Nguyễn Thị Tha (61 tuổi), diễn viên Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn, tâm tình: “Hồi đó ở Hoài Nhơn, nghệ thuật hát bội phát triển mạnh. Nhưng do nhiều nguyên nhân, sau đó Đoàn nghệ thuật hát bội đồng ấu Hoài Nhơn và một số đoàn hát bội khác ở đây tan rã. Nay nghệ thuật hát bội được thị xã quan tâm giữ gìn và thành lập lại Đoàn nghệ thuật hát bội hoạt động ổn định. Với những nghệ nhân yêu nghề, trọn lòng với hát bội như tôi rất hạnh phúc khi được cống hiến cho quê hương, góp phần bảo tồn và lan tỏa di sản hát bội”.
Mặc dù yêu nghề, gắn bó và thực hành hát bội, nhưng cũng giống như nhiều đoàn hát bội không chuyên khác, các nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn trăn trở chưa tìm được lớp kế thừa. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kim Oanh trải lòng: “Dù thị xã rất quan tâm, công chúng dành nhiều tình cảm nồng nhiệt cho chúng tôi, nhưng hầu hết nghệ nhân của đoàn đều lớn tuổi, chúng tôi rất lo lắng khi chưa tìm được lực lượng trẻ theo nghề để nối nghiệp. Mong sao thị xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chúng tôi tìm lực lượng trẻ truyền nghề, để cho sân khấu hát bội truyền thống của Bình Định quê mình mãi được lưu truyền”.
TX Hoài Nhơn cũng định hướng bảo tồn, khai thác giá trị nghệ thuật hát bội, bài chòi dân gian, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TX Hoài Nhơn, cho biết: Chúng tôi đang lập kế hoạch phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức chương trình đưa sân khấu truyền thống vào học đường, từ đó phát hiện hạt nhân trẻ đam mê hát bội để truyền dạy, tạo lớp kế thừa cho Đoàn nghệ thuật hát bội Hoài Nhơn. Ngoài ra, tham mưu thị xã kế hoạch tổ chức biểu diễn hát bội, bài chòi, bả trạo vào cuối tuần tại xã Hoài Hải để phục vụ du khách đến tham quan tại gành Diêu Quang, Bãi Con, Lăng vạn Kim Giao ở địa phương, nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch văn hóa.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN