Du lịch Thái Lan hướng đến chất lượng với chương trình thị thực mới
Thái Lan vừa công bố một loạt chương trình thị thực (visa) mới nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có cơ hội lưu trú tại nước này lâu hơn. Nhưng, liệu thay đổi này có quá trễ?
1. Nhà sáng tạo nội dung Steve Lim (New Zealand) chưa bao giờ có ý định sống ở Thái Lan mà đích đến của anh là New York. Tuy nhiên, sau khi bị từ chối visa đến Mỹ, Steve Lim quyết định chuyển hướng sang Thái Lan nhờ chuyến đi ngắn ngày đến Bangkok vào năm 2022. Hiện, sau hơn 2 năm ở đây, anh cho biết đã cảm thấy nơi này như ở nhà, với việc làm từ xa trong mảng kinh doanh cho 1 công ty Trung Quốc.
Là một phần của chiến dịch “Ignite Thailand” (tạm dịch: Thắp sáng Thái Lan), chương trình visa mới của nước này hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài lưu trú tại Thái Lan. Theo ông Nithee Seeprae, một quan chức của Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), chính sách visa mới giúp tăng doanh thu du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong khu vực, đồng thời giúp đa dạng hóa nguồn du khách và khuyến khích du khách ở lâu hơn. Trong chương trình này, loại visa “Destination Thailand” (DTV) cho phép những người làm việc từ xa, dân du mục kỹ thuật số và người làm tự do (freelancer) ở lại đến 5 năm, có thể nhập cảnh nhiều lần với điều kiện mỗi lần ở không quá 180 ngày. DTV cũng áp dụng đối với người tham gia các hoạt động khác như các lớp học Muay Thái, lớp học nấu ăn, tập luyện thể thao và điều trị y tế.
Đối với Steve Lim, vốn đang bất ổn với loại visa ngắn hạn trong thời gian ở Bangkok, chương trình visa mới này là giải pháp không tồi để anh không phải rời khỏi đây hay chuyển sang loại visa khác. Anh cho biết, rất nhiều người trong mạng lưới làm việc của anh, nhất là những người đang làm trong không gian sáng tạo ở Thái Lan và nước ngoài, tìm kiếm sự đảm bảo tương lai ở nước này hoặc đến đây lần đầu theo diện visa DTV.
Thái Lan tiếp tục mở rộng chính sách thị thực để thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: SCMP
2. Trong vài năm qua đã xuất hiện xu hướng lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn trong ngành du lịch. Chẳng hạn, mặc dù số lượng du khách thuần túy đến Thái Lan vẫn chưa bằng mùa cao điểm như trước dịch Covid-19, nhưng số liệu cho thấy đã có sự gia tăng về lượng du khách chọn lưu trú lâu hơn khi đến đây.
Ông Olivier Ponti, Giám đốc Truyền thông và tiếp thị của công ty chuyên về dữ liệu du lịch ForwardKeys (Tây Ban Nha) cho hay, hiện 1/4 số du khách đến Thái Lan lưu trú trên 2 tuần. “Visa chắc chắn là cách thử nghiệm để thu hút du khách cho 1 điểm đến. Kể từ sau đại dịch, nhiều nơi triển khai các chương trình visa mới để đón lượng lớn người nước ngoài làm việc từ xa”, ông nói.
Các chương trình visa tương tự, như B211 của Indonesia hay Chương trình làm việc ảo của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đều mang lại tín hiệu tích cực khi đạt được tăng trưởng trong số lượng khách lưu trú lâu dài. Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia cũng áp dụng chương trình lưu trú 12 tháng (DE Rantau Nomad Pass) dành cho dân du mục kỹ thuật số nước ngoài, trong khi Philippines cũng công bố kế hoạch tương tự.
3. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách trong năm 2024. Ông Paul Pruangkarn- Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) cho rằng, nước này vừa cần đảm bảo lợi nhuận cho lĩnh vực tư nhân trong khi vẫn phải duy trì ngành công nghiệp du lịch bền vững và liên kết xã hội. Việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng liên tục sẽ đặt cơ sở hạ tầng cũng như trải nghiệm của du khách vào tình trạng báo động. Các sân bay chính ở Thái Lan vẫn đang trong quá trình nâng cấp sức chứa.
Theo ông Nithee, cơ sở hạ tầng, nhất là ở các sân bay lớn, cửa khẩu, có tình trạng quá tải trong mùa cao điểm du lịch nên việc chuyển trọng tâm sang chất lượng thay vì số lượng có thể giúp giải tỏa những áp lực này. “Nói đến “du khách chất lượng” là nói đến những người đem lại nhiều hơn cả giá trị kinh tế cho 1 điểm đến. Đó là những người lưu trú dài hơn, hòa vào văn hóa bản địa và ưu tiên cho các hoạt động du ngoạn bền vững và có trách nhiệm”, ông Nithee nói.
LÊ QUẢNG (Theo CNA)