Ngọt lịm “chè Bà Ngoại”…
Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH LOAN
Một quán chè có cái tên thật lạ nhưng nổi tiếng thời bao cấp, một quán chè mà sinh viên Quy Nhơn hình như ai cũng biết, quán chè được gọi tên là “chè Bà Ngoại” còn tếu táo gọi là “chè cứu đói”.
Thời bao cấp, thời mọi thứ đều khan hiếm, mọi thứ đều thiếu thốn, và kéo theo mọi thứ đều quý giá. Những sinh viên nội trú xa nhà, trùi trụi ngày hai bữa cơm tập thể nghèo dinh dưỡng nên thứ gì cũng thèm. Cảm giác thèm ngọt, thèm đường, thèm kẹo, thèm chè, thèm đủ thứ cứ thường trú trên… đỉnh não. Nhiều lúc cái sự thèm nó lên cơn hành hạ bọn sinh viên nghèo dữ dội. Nên hễ thèm chè mà có tiền đi ăn chè, xử lý thành công “cơn thèm” thì ắt đó là một niềm vui lớn.
Vậy sinh viên hay ăn chè ở đâu? Còn ở đâu nữa, ăn chè thì hiển nhiên ở quán chè Bà Ngoại. Và chỉ có thể là chè bà ngoại. Vì bà ngoại nấu và đứng bán chứ không phải là ai khác. Ngày đó bà ngoại phải trên bảy mươi, tóc bới, hay mặc áo bà ba, dáng phốp pháp, mặt phúc hậu. Quán ở đầu đường Nguyễn Lạc. Ngày ấy đường Nguyễn Lạc là con đường nhỏ - dù ở ngay khu trung tâm thị xã, cát lún như những con đường thường thấy ở các làng chài ven biển chứ không phải đường lớn như bây giờ. Bà ngoại bán chè trước nhà, cái nhà sơ sài, cái quán sơ sài còn hơn cái nhà. Trên cái bàn gỗ có mấy nồi chè, toàn chè đậu, các loại đậu. Bà ngoại toàn nấu chè đặc, không phải chè nước. Nguyên liệu chính là đậu, nếp và đường (đường đen còn gọi là đường hạ), có thêm gừng xắt sợi. Dưới bàn có thùng đá, ai muốn ăn nóng thì bà ngoại múc chè nóng nguyên chất, ai muốn ăn lạnh thì bà ngoại đập đá cho vào là thành chè lạnh. Chỉ có vậy mà làm mê mẩn những tâm hồn sinh viên ngày ấy.
Có những buổi trưa, cả phòng không đứa nào chợp mắt được vì cơn thèm chè bà ngoại nổi lên. Chỉ cần một đứa lên tiếng: “Ê tụi mày ơi, thèm chè quá” là cả phòng ủng hộ ngay. “Ừa tao cũng thèm quá”. “Ờ đi thăm bà ngoại đi”... Thế là cả phòng nội trú hăm hở kéo nhau đi. Đi bộ. Tất nhiên. Tới nơi. Đầu tiên là ăn một chén chè đặc nóng đủ các loại, một chút chè đậu đen, một chút chè đậu trắng, một chút chè đậu ván... chế lên một muỗng nước cốt dừa. Hạt đậu lấp lánh, sóng sánh, ngọt lịm, bùi bùi, béo béo, thơm thơm, thảng hoặc lại gặp sợi gừng cay cay... Ăn chén chè đặc nóng xong rồi từ chén chuyển qua ly, ăn chè lạnh, bà ngoại đập đá vào ly cối thủy tinh rồi múc các loại chè vào, chế nước cốt dừa vào, khuấy lên thành ly chè đá mát lạnh, ngon lành. Lần thưởng thức nào cũng vậy. Nhâm nhi. Chậm rãi. Chậm rãi cảm nhận được vị ngọt lịm, bùi bùi, béo béo, thơm thơm, lâu lâu gặp sợi gừng cay cay… Chậm rãi đưa vào miệng, vị ngọt lịm thấm vào tâm hồn. Bà ngoại quen với lối ăn của đám sinh viên nghèo mà bà coi như con như cháu, cứ mỗi lần ra là bà cứ múc như vậy khỏi cần phải hỏi.
Chè Bà Ngoại nổi tiếng, truyền rộng khắp giới sinh viên chẳng phải chỉ vì ngon, mà còn vì rẻ. Cực rẻ. Sinh viên tếu táo gọi “chè cứu đói” là vì vậy. Tròn nghĩa với hai từ “cứu đói” luôn. Thật sự ngoại đã cứu vô vàn đứa sinh viên qua cơn thèm, bằng tình thương thiệt tình như một bà ngoại hạng xịn…
Rồi cũng qua thời sinh viên, qua thời bao cấp, ít khi đi ăn chè. Rồi đến khi có tuổi càng hạn chế ăn chè vì sợ ngọt, sợ đường lên, sợ đủ thứ. Vậy mà mỗi khi nhớ về thời xa xưa ấy, tôi không thể không nhớ những buổi trưa lên cơn thèm chè, không thể không nhớ những buổi trưa xăm xăm đi bộ dưới trời nắng rát… Cảm giác đó ai chưa qua khó mà hiểu được, khó mà hình dung nổi. Cảm ơn Bà Ngoại biết bao nhiêu!
“Chè Bà Ngoại” ở đường Nguyễn Lạc - Quy Nhơn, hễ gọi tên lên là vị ngọt thiệt thà của chè đậu thấm dần vào cổ họng. Tôi nhớ cái tình người mộc mạc, chân chất, thiệt tình của Bà Ngoại ở một con đường cát lún, trong một nhà cũ kỹ nhưng nụ cười luôn tươi mới, giọng nói xứ biển luôn ấm áp…
Bà Ngoại giờ đã ra người thiên cổ. Đường Nguyễn Lạc không còn là con đường cát lún. Nhưng “chè Bà Ngoại” đã trở thành thương hiệu trong lòng tôi mỗi khi nhớ về thời sinh viên, mỗi khi nghĩ về đất Quy Nhơn từng gắn bó. “Chè Bà Ngoại” mãi là hương vị ngọt ngào trong tâm hồn những ai đã từng gắn bó với đất Quy Nhơn. Mà mỗi khi lần giở vùng ký ức này, tôi thấy cả không gian tình thương của đất và người Quy Nhơn hồn hậu, đơn sơ, tình nghĩa…