Ấn Độ đề xuất hiệp ước phát triển cho các nước phương Nam
Ấn Độ sẽ dành nguồn lực cho các sáng kiến phát triển tại các nước đang phát triển, hay còn gọi là các nước phương Nam.
Quốc gia Nam Á này đồng thời đề xuất một thỏa thuận toàn cầu, với kỳ vọng sẽ giúp các nước đang phát triển xây dựng năng lực, thúc đẩy thương mại. Đây là đề xuất được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam lần thứ 3 diễn ra ngày 17.8 theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam ngày 17.8.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam lần thứ ba diễn ra ngày 17/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi sự đoàn kết của các nước phương Nam để giải quyết các thách thức toàn cầu nóng bỏng hiện nay như an ninh y tế, lương thực và năng lượng.
Thủ tướng Ấn Độ đồng thời đề xuất thiết lập một “Hiệp ước Phát triển Toàn cầu” dựa trên các ưu tiên do các nước đang phát triển đặt ra; trao đổi bài học phát triển và kinh nghiệm của chính Ấn Độ trong quan hệ đối tác phát triển với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Ấn Độ cam kết chia sẻ năng lực của mình với các nước đang phát triển để tăng cường thương mại và thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã công bố khoản đóng góp ban đầu của nước này trị giá 25 triệu USD cho Quỹ Tác động Xã hội, được thành lập để đẩy nhanh việc sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) của Ấn Độ tại các nền kinh tế mới nổi.
Giải thích về khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu mới mà Ấn Độ đưa ra, Thủ tướng Modi cho biết mô hình này sẽ lấy con người làm trung tâm và phát triển dựa trên cách tiếp cận đa chiều và đa ngành. Hiệp ước sẽ không gây gánh nặng nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn. Nó sẽ giúp phát triển cân bằng và bền vững cho các quốc gia đối tác.
Ngoài ra, Hiệp ước Phát triển Toàn cầu sẽ tập trung vào thương mại để phát triển, xây dựng năng lực cho tăng trưởng bền vững, chia sẻ công nghệ, tài chính ưu đãi và tài trợ cho các dự án. Ấn Độ sẽ khởi động một quỹ đặc biệt trị giá 2,5 triệu USD để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và một quỹ khác trị giá 1 triệu USD để đào tạo về chính sách thương mại và đàm phán thương mại.
Ấn Độ cũng đang hợp tác với Nhóm các nhà lãnh đạo về Kích thích Phát triển Bền vững (SDG) để giải quyết căng thẳng tài chính và tài trợ phát triển ở Nam Bán cầu. Nhóm này bao gồm Barbados, Brazil, Canada, Pháp, Ấn Độ, Italy, Jamaica, Kenya, Nam Phi và Tây Ban Nha.
Diễn đàn Tiếng nói phương Nam là một sáng kiến do Ấn Độ khởi xướng và dẫn dắt khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm 2023. Tiếng nói phương Nam là nơi để xác định nhu cầu của các nước đang phát triển; để nguyện vọng của họ có thể được đưa vào chương trình nghị sự của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong năm 2023 và đưa các đề xuất của các nước đang phát triển vào chương trình nghị sự của G20.
Theo Phan Tùng (VOV)