Sản xuất lúa hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm: Nâng cao giá trị sản phẩm
Vụ Hè Thu 2024, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 3 ha, tại xã Hoài Mỹ.
Từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Tham gia mô hình, 25 hộ nông dân thôn Định Công (xã Hoài Mỹ) được hỗ trợ 50% kinh phí giống, vôi, phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ và các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.
Kỹ sư Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Khác với kiểu canh tác truyền thống trước đây, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ trước hết phải xây dựng được vùng đệm xung quanh, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học để góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. Mô hình sử dụng giống lúa Hương Xuân, gieo sạ với mật độ 80 kg/ha, lúa cứng cây, dễ chăm sóc, ít nhiễm sâu bệnh, các loại thiên địch trong ruộng lúa phát triển (ong ký sinh, nhện chân dài, nhện sói, bọ rùa đỏ) đã khống chế được mật độ sâu gây hại trên ruộng lúa, giúp giảm được chi phí sử dụng thuốc, công lao động.
Kết quả sau 90 ngày, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng chịu nắng, chịu phèn, chống đổ ngã và sâu bệnh hại khá cao, năng suất đạt 74,2 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 tạ/ha, lợi nhuận mang lại 20,9 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 2,9 triệu đồng/ha.
Ông Văn Bá Du, một người ở thôn Định Công, xã Hoài Mỹ, cho hay: Khi tham gia mô hình, chúng tôi thống nhất thành lập tổ sản xuất lúa hữu cơ để thuận lợi trong công tác theo dõi, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời mở sổ ghi chép, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, sâu bệnh hại, sinh trưởng và phát triển của lúa... Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với cán bộ kỹ thuật kiểm tra, đôn đốc các hộ nông dân thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Lúa được gieo sạ với mật độ khoảng 4 kg/sào (500 m2), giảm 3 kg/sào so với trước đây, đồng thời chỉ sử dụng bón phân hữu cơ và thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, nhờ vậy không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng xung quanh.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường. “Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nói không với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là hướng đi cần thiết để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Mô hình triển khai mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao sẽ là động lực để người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ.
THÀNH NGUYÊN