Tây Sơn mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt
Huyện Tây Sơn cùng ngành chức năng của tỉnh đã và đang đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp các nhà máy cấp nước sạch, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện.
Cuối năm 2023, nhà máy cấp nước sinh hoạt Bình Nghi (thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) chính thức được đưa vào hoạt động. Công trình do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.500 m3/ngày đêm; đang cấp nước sinh hoạt cho gần 600 hộ dân tại xã Bình Nghi.
Nhân viên BQL CTN huyện Tây Sơn kiểm tra, vận hành nhà máy nước Phú Phong. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Văn Tin, Phó trưởng Ban quản lý Cấp và thoát nước (BQL CTN) huyện Tây Sơn, cho biết: Hiện đơn vị tiếp tục đầu tư gần 5,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước tại 6 trong tổng số 7 thôn thuộc xã Bình Nghi để mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ/hơn 16.000 nhân khẩu tại địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, xã đã và đang phối hợp với BQL CTN huyện Tây Sơn tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện Tây Sơn cũng đang triển khai đầu tư 27 tỷ đồng nâng cấp nhà máy cung cấp nước sạch Phú Phong (thuộc địa bàn thị trấn Phú Phong) từ 2.000 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho gần 5.000 hộ dân thuộc thị trấn Phú Phong và 2 xã Tây Phú, Tây Xuân. Ngoài ra, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho các khu dân cư mới và các khu dân cư nông thôn theo đồ án quy hoạch phát triển đô thị, du lịch, thương mại trên địa bàn huyện với quy mô khoảng 5.500 người.
Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định đã đầu tư kinh phí, nâng cấp, xây dựng trạm bơm tăng áp, đường ống phân phối, tuyến ống truyền tải nước sạch đối với nhà máy cấp nước Tây Giang - Tây Thuận và Vĩnh An - Bình Tường. Nhờ đó, mở rộng phạm vi cung cấp, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân các xã Tây Giang, Tây Thuận, Bình Thành, Vĩnh An, Bình Tường, Tây Phú.
Ông Nguyễn Văn Anh, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, cho biết: “Từ khi nhà máy nước sạch dẫn nước về thôn, người dân có nguồn nước đảm bảo vệ sinh sử dụng hằng ngày. Nhờ đó, bà con hết canh cánh nỗi lo dùng nước giếng bị nhiễm phèn, không tốt cho sức khỏe”.
Theo BQL CTN huyện Tây Sơn, đến nay, người dân thuộc 10/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được dùng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung; trong đó, người dân ở thôn M6 (xã Bình Tân) dùng nước sạch từ công trình cấp nước tự chảy. Chỉ còn người dân ở 5 xã khu vực phía Bắc huyện Tây Sơn là Tây Bình, Tây An, Tây Vinh, Bình Hòa, Bình Thuận và 4 thôn Mỹ Thạch, Thuận Hòa, Phú Hưng, An Hội (thuộc xã Bình Tân) chưa được dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Nhưng mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt các xã phía Bắc huyện Tây Sơn và hệ thống này sẽ đảm bảo cấp nước sạch cho gần 12.000 hộ dân/gần 36.000 nhân khẩu ở khu vực trên.
Theo đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định sẽ triển khai dự án từ nay đến năm 2026, với tổng vốn đầu tư hơn 126 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện đến năm 2025, sẽ lắp đặt khoảng 8,5 km tuyến ống từ nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đến trạm bơm tăng áp công suất 5.100 m3 đặt tại thôn An Chánh (xã Tây Bình), cùng với đó sẽ xây dựng một số hạng mục phụ trợ, hơn 30 km tuyến ống truyền tải nước sạch đến các khu dân cư ở xã Tây Bình. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư cho đến năm 2026 với tuyến ống truyền tải và phân phối nước sạch dài khoảng 230 km; cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư tại xã Tây An, Tây Vinh, Bình Hòa, Bình Thuận và 4 thôn thuộc xã Bình Tân.
VĂN LỰC