Xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh): Nông dân tự lực vươn lên thoát nghèo
Bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, người dân ở xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, quyết tâm thực hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới để vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở địa phương giảm theo từng năm.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Vĩnh Thuận là xã tái định cư vùng lòng hồ Định Bình trước đây, hiện có 466 hộ/1.724 nhân khẩu. Lúc mới thành lập xã, tỷ lệ hộ nghèo ở xã gần như “đội sổ”. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, Trung ương, tỉnh và huyện đã quan tâm thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư, nhất là chính sách về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ông Đinh Luận, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết: Đời sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tính đến cuối năm 2023 còn 54,8% (giảm hơn 12% so với năm 2022).
Để triển khai có hiệu quả các chương trình, UBND xã đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác giảm nghèo; tổ chức tập huấn cho người dân... Từ năm 2023 - 2024, tổng nguồn vốn được xã tiếp nhận quản lý là hơn 8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 4 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn, xã Vĩnh Thuận tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc…
Giờ đây, bộ mặt nông thôn của xã Vĩnh Thuận có nhiều đổi thay, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn khi có nhiều tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa phẳng phiu. Cùng với đó, cảnh quan môi trường đã xanh, sạch, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhiều vùng dân cư nơi đây. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thời gian qua ở Vĩnh Thuận, đã từng bước giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Số lượng nông hộ sản xuất giỏi xuất hiện nhiều hơn qua từng năm.
Anh Đinh Khuy (ở làng 6, xã Vĩnh Thuận) từ một hộ nghèo đã tự lực vươn lên và không còn là hộ nghèo.
- Trong ảnh: Anh Khuy đang chăm sóc 7 sào bí đỏ của gia đình. Ảnh: T.LỢI
Lan tỏa tinh thần tự lực vươn lên
Vợ, chồng anh Đinh Trạm và chị Đinh Thị Vét (ở làng 3, xã Vĩnh Thuận) là một trong những hộ tiêu biểu của xã về tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất. Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và chịu khó, ham học hỏi, đến nay, anh Trạm và chị Vét đã xây dựng thành công mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, hằng năm đem lại nguồn thu nhập ổn định. Từ năm 2009, gia đình anh Trạm chính thức thoát nghèo.
Chị Đinh Thị Vét kể: “Một năm, gia đình trồng từ 2 - 3 vụ bí đỏ (27 sào/vụ) và 1 vụ mì xen bắp lai, hoặc đậu đen (17 sào/vụ), nuôi vài con bò và trồng hơn 1 ha cây keo lai. Hai năm gần đây, giá bí đỏ duy trì ổn định, nên gia đình cũng có nguồn thu nhập kha khá”. Chị Vét cũng hào sảng khoe, vợ chồng mình đang xây dựng ngôi nhà cấp 4 khá rộng rãi. Con gái út cũng vừa đỗ biên chế tại một trường học ở tỉnh Kon Tum sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn, ngành sư phạm Ngữ văn.
Cũng như gia đình chị Vét, hoàn cảnh của gia đình anh Đinh Khuy (42 tuổi, ở làng 6) từng gặp không ít khó khăn. Anh Khuy nói: Trước năm 2009, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tinh thần ham học hỏi của bản thân và biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên cuộc sống của gia đình bắt đầu ổn định hơn và từ năm 2009 đến nay, gia đình chính thức không còn là hộ nghèo.
Hiện nay, anh Đinh Khuy đang thực hiện mô hình trồng bí đỏ xen canh cây bắp lai; trồng 2 ha cây keo lai và nuôi 4 con bò sinh sản. Vụ Hè Thu vừa qua, 7 sào bí đỏ của anh cho thu hoạch 6 tấn trái, trừ chi phí, anh “bỏ túi” gần 40 triệu đồng. “Kinh tế cải thiện, tôi có thêm điều kiện chăm sóc, cho 2 con đến trường, hiện nay cháu lớn đang học năm 2 đại học và cháu út đang học lớp 7. Cuộc sống gia đình chưa giàu nhưng cũng đủ ăn”, anh Khuy thổ lộ. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, anh và bà con nơi đây còn được vay vốn tín dụng chính sách (50 triệu đồng/hộ) từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng trọt và chăn nuôi trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Đinh Luận nhấn mạnh: “Việc triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đặc biệt là người dân nơi đây dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước chính là bệ phóng giúp xã phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều còn 30,8% năm 2024”.
TRỌNG LỢI