Tiếng Anh đường phố
Mới đây, Bộ Chính trị đã có một quyết định rất quan trọng: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Nhưng muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai không chỉ trong trường học, mà cả trong xã hội, thì những bước đi của Thái Lan bắt đầu từ tiếng Anh đường phố rất đáng cho chúng ta tham khảo.
Chắc nhiều người đã đi Thái Lan cùng chung nhận xét như tôi là người dân Thái rất lịch sự khi chắp tay khẽ cúi đầu chào khách, và rất tự tin khi sử dụng “tiếng Anh đường phố” trong giao tiếp và giao dịch. “Tiếng Anh đường phố” không phải là quá khó với nhiều người, nhưng nếu không chú tâm tự học và tranh thủ nghe, nói, thì cũng khó thực hành.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhiều lại chính là sự tự trang bị tiếng Anh của những người dân Thái, cách họ tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, buôn bán với du khách nước ngoài. Thái Lan là nước có số lượng khách du lịch hàng năm rất lớn, có lẽ vì vậy biết tiếng Anh là một nhu cầu thực tế, và ngôn ngữ này đã “phủ sóng” rộng rãi tới nhiều thành phần người dân Thái, từ người bán hàng rong tới người bán tạp hóa, từ người lái taxi tới người lái xe tuk tuk.
Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai bắt buộc không chỉ với những người có chuyên môn cao, mà còn với rất nhiều tầng lớp người trong xã hội. Làm sao để tiếng Anh tới được nhiều người nhất, kể cả những người bán hàng rong hay lái taxi, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của du lịch, dịch vụ ở một quốc gia hay một địa phương. Tại Việt Nam hiện nay, huyện du lịch Sa Pa (Lào Cai) được coi là nơi bà con người dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp với du khách nước ngoài khá thành thạo và hiệu quả. Những địa phương sử dụng được tiếng Anh ở diện rộng như Sa Pa chưa nhiều ở nước ta. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.
Việt Nam muốn phát triển du lịch thì không còn đường nào khác là số đông người dân cũng phải dùng được “tiếng Anh đường phố” như người dân Thái Lan đã và đang dùng. Sau cái chắp tay và cúi chào lễ phép trước khách, thì những câu tiếng Anh vừa đủ đã giúp cho người dân Thái Lan tự tin để đón và giữ chân khách du lịch đến với đất nước mình.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã sớm nhận ra rằng đối với Singapore, tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển và hội nhập của đất nước. Sự thành công của Singapore ngày nay là kết quả của những chính sách ngôn ngữ kiên trì và mạnh mẽ trong suốt mấy chục năm qua, từ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong nhà trường, dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ mầm non và tiểu học, nhập toàn bộ sách giáo khoa từ Anh về cho học sinh học, đến việc buộc mọi công chức nhà nước phải có trình độ tiếng Anh thành thạo mới được bổ nhiệm vào các vị trí công tác...
Cũng giống như nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể cứ tuyên bố xong là thế giới sẽ công nhận chúng ta. Để một ngôn ngữ được xem là chính thức tại một quốc gia thì ngôn ngữ ấy tối thiểu phải là ngôn ngữ của hành chính - pháp lý và của mọi dịch vụ công cộng.
THANH THẢO