Tổ chức bán trú cấp tiểu học: Nơi thuận lợi, chỗ khó khăn
Tổ chức dạy bán trú không chỉ tạo thêm thuận lợi trong giáo dục, chăm sóc học sinh mà còn là nền tảng quan trọng để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 dạy 2 buổi/ngày. Tuy vậy, qua ghi nhận tại nhiều địa phương, việc triển khai bán trú vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 55/205 trường tiểu học tổ chức bán trú, đáp ứng nhu cầu cho hơn 23.000 học sinh tiểu học tại các địa phương thuộc TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, An Nhơn, huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ.
Địa phương quan tâm, nhà trường chủ động
Hiện TX Hoài Nhơn đã triển khai bán trú tại 27/27 trường tiểu học trên địa bàn; có 12.137 học sinh bán trú, đạt tỷ lệ 70,9%. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chủ động của các trường.
Nhân viên nhà ăn Trường Tiểu học số 2 Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) lau dọn, bố trí dụng cụ nhà ăn, chuẩn bị đón học sinh bán trú trong năm học tới. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Bà Nguyễn Thị Nghệ An, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, chia sẻ: Tổ chức dạy bán trú tạo điều kiện giúp học sinh được chăm sóc tốt hơn, phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Hiểu được điều này, không chỉ chính quyền, các trường đã nỗ lực nhiều trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khu vực sinh hoạt, bếp ăn. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT thường xuyên tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường.
Một số trường có số lượng học sinh học 2 buổi/ngày và bán trú đông nhưng công tác tổ chức rất tốt, được phụ huynh, cộng đồng đánh giá cao như: Trường Tiểu học số 1 Tam Quan Bắc (990 học sinh bán trú), Trường Tiểu học số 2 Bồng Sơn (754 học sinh bán trú)…
Năm học này, Trường Tiểu học số 2 Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) có 550 học sinh. Từ thời điểm này, trường đã chủ động đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị khu vực bán trú, bổ sung dụng cụ còn thiếu, kiểm tra bếp ăn; đồng thời kết nối với các cơ sở cung cấp suất ăn, đảm bảo tốt kế hoạch tổ chức bán trú cho 17 lớp trong năm học tới, đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Cô Huỳnh Thị Nắng, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: Từ năm 2023, trường được đầu tư xây dựng mới khu vực nhà ăn, bếp ăn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, điều này tạo thuận lợi để các em sinh hoạt, lưu trú, đó là niềm vui lớn của nhà trường. Trước năm học mới, trường chủ động lấy ý kiến của phụ huynh; đặc biệt luôn sát sao công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều trường chưa thể triển khai
Đến nay, ở TP Quy Nhơn có 19/27 trường tiểu học tổ chức bán trú. Dù là địa phương được quan tâm, nhưng nhiều trường lại vướng phải khó khăn trong triển khai dạy học bán trú như: Không đủ quỹ đất để mở rộng cơ sở, công tác tổ chức, quản lý bếp ăn còn nhiều hạn chế, nhu cầu cho con em học bán trú thấp…
Nói về điều này, ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, lý giải, nguyên nhân chính là diện tích xây dựng của một số trường không đủ để tổ chức bán trú. Mặt khác, hiện các trường đã tổ chức học bán trú vẫn phải hợp đồng với các cơ sở để cung cấp thực phẩm, vì chưa xây dựng được bếp ăn. Điều này yêu cầu các trường phải chú ý đến công tác lựa chọn đơn vị uy tín, an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Việc tổ chức bán trú nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình khó có điều kiện đưa đón con nhiều lần trong ngày. Đăng ký cho con học lớp 1 tham gia bán trú, chị Nguyễn Thị Bông Ngâu (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), thổ lộ: Nhà ở phường Đống Đa nhưng con học ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nên vợ chồng tôi cho con học bán trú cho tiện, vì vợ chồng đều đi làm, ông bà không tiện đưa đón, chi phí bán trú cũng không quá cao.
Một số địa phương khác như huyện Phù Cát, Tuy Phước vẫn chưa đủ cơ sở tổ chức lớp bán trú nào… Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho hay, mặc dù địa phương và Phòng GD&ĐT đã nỗ lực, định hướng các trường tổ chức bán trú, nhưng nhiều trường vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện đảm bảo về bếp ăn. Cùng với đó là nhu cầu phụ huynh cho con học bán trú thấp, rất khó để tổ chức cũng như đặt suất ăn từ bên ngoài…
Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, cho biết: Trường đang cố gắng tổ chức bán trú cho 150 học sinh thuộc 5 lớp trong năm học 2024 - 2025, với các suất ăn được đặt từ nhà hàng ở gần trường; hy vọng điều này sẽ tạo thuận lợi cho học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn được học tập hiệu quả hơn.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thực hiện chương trình GDPT năm 2018, trong nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, các trường bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. Chính vì vậy, tổ chức bán trú là cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy. Hiện Sở GD&ĐT đã tiếp nhận những ý kiến về khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở giáo dục; đồng thời, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các trường quyết liệt thực hiện để hoạt động bán trú đảm bảo hiệu quả, hỗ trợ cho chương trình GDPT năm 2018.
HỒ THỊ ĐIỂM