Trung Quốc và Nga thúc đẩy công suất điện hạt nhân toàn cầu cao kỷ lục
Trung Quốc và Nga chiếm 60% trong số gần 70 lò phản ứng được xây dựng trong thập kỷ qua, trong đó Trung Quốc xây dựng 39 lò phản ứng.
Một nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Nguồn: Weibo/CPNN.
Công suất điện hạt nhân toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, trong đó Trung Quốc và Nga chiếm phần lớn các lò phản ứng mới của thế giới.
Theo Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản và các nguồn khác, thế giới có 436 lò phản ứng đang hoạt động tính đến tháng 6.2024.
Tổng công suất của các lň phản ứng đạt gần 416 GW, vượt so với mức kỷ lục trước đó là 414 GW vào năm 2018.
Các lò phản ứng mới đi vào hoạt động tại Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ trong một năm tính đến tháng 6.2024 có tổng công suất 4,53 GW. Chỉ một lò phản ứng công suất 1 GW tại Nga ngừng hoạt động trong thời gian này.
Trung Quốc đạt tốc độ phát triển nhanh cả về công suất và công nghệ. Trung Quốc và Nga chiếm 60% trong số gần 70 lò phản ứng được xây dựng trong thập kỷ qua, trong đó Trung Quốc xây dựng 39 lò phản ứng.
Lò phản ứng thứ 56 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động vào tháng 5/2024 tại nhà máy điện hạt nhân Fangchenggang ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Điện hạt nhân là một phần của nỗ lực cắt giảm khí thải và ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, quốc gia phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất 70% lượng điện.
Trong khi đó, Nga đã bắt kịp Nhật Bản về số lò phản ứng. Trong số 33 lò phản ứng của Nga, 9 lò đã bắt đầu hoạt động trong thập niên qua. Nga có thêm 10 lò phản ứng đang xây và trên 20 lò đang trong giai đoạn lập kế hoạch, khi nước này muốn giảm mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên, mặt hàng xuất khẩu chính.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu điện trên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, nhu cầu của riêng các trung tâm dữ liệu vào năm 2026 được cho là sẽ tăng 2,3 lần so với năm 2022.
Thường bị xem nhẹ hơn năng lượng tái tạo trong việc góp phần giảm lượng khí thải, vai trò của điện hạt nhân đang có sự thay đổi, đây được xem là nguồn năng lượng không khí thải ổn định.
Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vào năm ngoái, 22 quốc gia đã thông qua mục tiêu đạt công suất điện hạt nhân 1.200 GW vào năm 2050, gấp ba lần so với năm 2020.
Theo Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)