Vở ca kịch bài chòi “Vụ án sau 20 năm”: Niềm tin cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn…
Sau hơn 30 năm được dàn dựng, vở ca kịch bài chòi Vụ án sau 20 năm được Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) phục hồi, nâng cao, biểu diễn tổng duyệt tại Nhà hát tối 14.8. Vở diễn chuyển tải thông điệp về ánh sáng chân lý của pháp luật, bắt kẻ làm điều ác phải đền tội và trả lại công bằng cho người lương thiện.
Vở diễn Vụ án sau 20 năm (còn có tên gọi Vụ án cái quạt máu; tác giả: Đoàn Thanh Ái, đạo diễn: NSND Hoài Huệ) xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của vợ chồng nông dân nghèo lương thiện Lý Hạc (nghệ sĩ Chí Cường thủ vai) và Diệp Nương (nghệ sĩ Hồ Điệp thủ vai) bị đẩy vào hố sâu bi kịch khiến gia đình ly tán. Lý Hạc bị gán tội giết chết vợ của Phạm Tiểu Sơn (nghệ sĩ Trung Hiếu thủ vai), với chứng cứ để lại là cái quạt có chữ đề tặng Lý Hạc. Quan phủ cấu kết với kẻ thủ ác là bá hộ Ngô Phỉ Khanh (nghệ sĩ Quốc Tuấn thủ vai) để bắt giam Lý Hạc, khiến anh chết oan trong tù. Sau 20 năm, vụ án được quan Tả thị lang Bộ hình Chu Nguyên Lượng (nghệ sĩ Thành Việt thủ vai) - con của Lý Hạc và Diệp Nương, lật lại xét xử và những kẻ gây tội ác đã phải chịu tội trước pháp luật, gia đình Lý Hạc được giải oan.
Phân cảnh xét xử vụ án trong vở diễn Vụ án sau 20 năm tạo ấn tượng với người xem, nêu bật chủ đề tư tưởng của vở diễn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ kịch bản, nhiều lớp diễn được dàn dựng, kết hợp diễn xuất, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc qua từng phân cảnh đã tạo sự hấp dẫn người xem. Trong những màn chuyển cảnh, tấm màn có tên vở diễn Vụ án cái quạt máu với hình vẽ chiếc quạt xòe ra kèm bài thơ viết trên quạt, những giọt máu rơi xuống được sử dụng để xử lý không gian khiến người xem hồi hộp chờ đợi những lớp diễn tiếp theo.
Đoạn cuối vở diễn cũng là màn để lại ấn tượng nhất, chuyển tải chủ đề của vở, khi Chu Nguyên Lượng xét xử lại vụ án và kết tội bá hộ Ngô Phỉ Khanh, vừa là cha vợ sắp cưới, cũng là kẻ đã gây ra nỗi oan khiên cho gia đình mình. Nhưng niềm vui cũng không trọn vẹn, người mẹ Diệp Nương đã bị mù, người cha Lý Hạc đã chết trong tù sau 20 năm bị giam giữ.
Tại buổi diễn tổng duyệt, ở phân cảnh xử án, đạo diễn sử dụng thủ pháp nghệ thuật mơ trong tình huống để nhân vật Chu Nguyên Lượng có không gian đủ lớn, thời gian đủ dài bộc lộ những dằn vặt trong cuộc đấu tranh tư tưởng khi mắc kẹt vào tình thế cực kỳ khó xử. Chu Nguyên Lượng như dồn nén tất cả nội tâm trước khi trải lòng: “Ta minh oan cho cha ruột, cũng chính là lúc kết tội cho cha vợ sắp cưới của mình. Làm quan sao mà khó vậy, vì nước vì dân đã khó rồi, để làm một sự thật công bằng cho nhân dân lại càng khó hơn…”. Và Chu Nguyên Lượng đã thoát ra khỏi tình huống khó xử một cách dứt khoát. Dằn vặt đau đớn trước đó bao nhiêu thì khi dứt khoát lại mạnh mẽ, quyết liệt bấy nhiêu. Có thể nói đó là “cái phất tay dữ dội vì nghĩa cả” khi đưa ra quyết định.
Đạo diễn NSND Hoài Huệ cho biết: “Người xưa có câu “quan đần dân khổ, quan không đần quan khổ” nói lên những vị quan thanh liêm, công minh, chính trực thì nghèo, có khi mất mát nhiều, nhưng chính điều này mới giá trị; còn những vị quan chỉ biết làm lợi cho cá nhân mình thì có những kết cục không tốt đẹp. Đây cũng là chủ đề được sân khấu truyền thống khai thác, thể hiện trong nhiều vở diễn. Vở diễn Vụ án sau 20 năm mang nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, cũng nêu lên giá trị tư tưởng ca ngợi những vị quan thanh liêm, biết lo cho dân, cho nước vẫn còn mang tính thời sự trong cuộc sống hôm nay”.
Xuyên suốt vở diễn là niềm tin vào công lý, thông qua câu nói về lẽ sống của nhân vật Lý Hạc: “Cuộc đời này vẫn còn nhiều người tốt, biết quý trọng lễ nhân, biết yêu công bằng, sự thật. Cuộc đời này rồi sẽ tốt đẹp hơn...”. Đó cũng là thông điệp gửi gắm cho khán giả chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh.
Bên cạnh những lớp diễn đầy bi thương, những yếu tố hài hước thể hiện qua lời thoại, diễn xuất của các nhân vật Quan phủ (nghệ sĩ Xuân Hoàng thủ vai), Đề lại (nghệ sĩ Anh Tuấn thủ vai), chủ quán (nghệ sĩ Trần Vân thủ vai), gia đồng (nghệ sĩ Thiên Nga thủ vai)… cũng tạo sự tươi vui, đan xen các tình huống bi - hài gây tiếng cười cho khán giả.
Theo NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trưởng đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, vở diễn Vụ án sau 20 năm được dàn dựng năm 1992. Lần này được phục hồi nâng cao, các vai chính như Chu Nguyên Lượng, Lý Hạc, Phạm Tiểu Sơn được giao cho các diễn viên trẻ đảm nhận để họ có dịp tiếp xúc, cọ xát, giữ những miếng diễn của các nghệ sĩ đi trước để tôi luyện nghề nghiệp. Sau khi phục hồi, vở diễn sẽ được đưa vào kịch mục của Đoàn để biểu diễn phục vụ nhân dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN