Thực hiện Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu: Kết quả khả quan
Hội đồng Khoa học-Công nghệ (KH-CN) tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu xếp loại Xuất sắc Dự án (DA) “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu tại Bình Định”.
Tiềm năng lớn
Xuất phát từ giá trị dinh dưỡng đặc biệt của hàu, cùng với chủ trương phát triển nghề nuôi hàu thương phẩm của tỉnh và nhu cầu thị trường, thời gian qua, Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) đã triển khai thực hiện DA “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu”. DA do Bộ KH-CN quản lý, BIDIPHAR tổ chức, chủ trì thực hiện. Chủ nhiệm DA là thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc BIDIPHAR. DA này thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015”, tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỉ đồng; trong đó vốn sự nghiệp KH-CN Trung ương gần 3,7 tỉ đồng, vốn của DN gần 5,8 tỉ đồng; thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 7.2011 đến tháng 6.2014).
Theo thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, mục tiêu chính của DA được xác định: Áp dụng có hiệu quả kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm giống hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng Bình Định, nhằm góp phần phát triển nghề nuôi hàu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho ngư dân vùng ven biển; thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường các vùng đầm, phá trong tỉnh; đồng thời chế biến hàu thành sản phẩm thực phẩm chức năng nhằm nâng cao giá trị của hàu thương phẩm.
DA gồm nhiều nội dung: Đào tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm giống hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng. Xây dựng và ban hành quy trình lựa chọn, xử lý hàu vỏ sang hàu thịt; bảo quản, vận chuyển hàu thương phẩm trước khi chế biến. Xây dựng, ban hành quy trình chiết xuất hàu tươi và chế biến thành bột hàu đông khô ở quy mô công nghiệp. Xây dựng, ban hành quy trình bào chế viên nang thực phẩm chức năng từ hàu quy mô công nghiệp... Mô hình sản xuất hàu giống triển khai tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (Phù Cát).
Hiệu quả thiết thực
DA “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thực phẩm chức năng từ hàu” vừa kết thúc và đạt được những kết quả khả quan. Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương cho biết, sau 36 tháng triển khai, DA đã xây dựng và hoàn thiện các mô hình: sản xuất giống nhân tạo và ương giống cấp I hàu với số lượng gần 4,1 triệu con; mô hình ương giống cấp II với tỉ lệ sống 57,2%; mô hình nuôi hàu thương phẩm với tỉ lệ sống 58,7%; sản lượng thu được 102.000 kg hàu tươi.
Về hiệu quả kinh tế, theo kỹ sư Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định, điều đáng ghi nhận là tất cả các mô hình đều có lãi, trong đó lợi nhuận bình quân ở mức cao là từ 201 triệu đồng đến 323 triệu đồng/năm/ha, mức thấp là từ 57 triệu đồng đến 130 triệu đồng/năm/ha.
Về hiệu quả xã hội và môi trường, theo thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, mô hình sản xuất giống nhân tạo và ương giống cấp I ứng dụng thành công đã tạo ra nguồn cung cấp giống nhân tạo ổn định phục vụ cho nhu cầu nuôi hàu thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, mô hình ương giống cấp II và nuôi thương phẩm thành công đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại các vùng ven đầm Thị Nại và Đề Gi, từ đó giảm áp lực khai thác hàu tự nhiên tại các khu vực đầm phá, góp phần vào việc giảm hiện tượng phì dưỡng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ổn định hệ sinh thái tại khu vực đầm Thị Nại và Đề Gi; tạo điều kiện để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Cũng theo thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, DA đã xây dựng và hoàn thiện mô hình sản xuất thực phẩm chức năng từ hàu, với kết quả ban đầu là 125 kg bột hàu đông khô và trên 333 ngàn viên nang hàu. Sản phẩm viên nang thực phẩm chức năng từ hàu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.
VIẾT HIỀN